Nhận định về Nguyễn Hưng Quốc
Mấy hôm trước, tôi được phone của một người bạn bên Âu Châu gọi trao đổi về bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc (NHQ.) Bạn tôi lo ngại, có thể chuyện này nằm trong chủ trương của cái ban bệ gọi là “Hội Đồng Lý Luận An Ninh” của tên trùm công an VGCS, đại tướng Trần Đại Quang, lập ra để làm công tác chống các hoạt động chống cộng tại hải ngoại. Cái Hội Đồng này đẻ ra 80.000 tên cớm hoạt động cả trong lẫn ngoài nước trong đủ mọi loại vỏ bọc khác nhau để tuyên truyền lũng đoạn và gây chia rẽ hàng ngũ những tổ chức chống cộng, đánh phá và bôi bẩn những người yêu nước, đưa ra những quan điển và đường lối mù mờ, không tưởng làm rối loạn dư luận. Bạn tôi đề nghị: “Anh nên suy nghĩ viết một bài để báo động dư luận.”
Tôi thật không ngờ lại có nhiều người quan tâm đến ông NHQ như vậy. Tôi có đọc sơ qua vài bài của ông và nhận thấy bài viết có vẻ mang tính học thuật và nêu lên quan điểm riêng hơn là có ý đề ra một con đường hướng dẫn dư luận. Ông lý luận khá dài, tuy chỉ là tư tưởng xưa cũ mà đa số là cóp nhặt, có thể nói thuộc loại “khổ lắm biết rồi nói mãi.” Nhận thấy ông Quốc không phải là một nhân vật cộng đồng nên tầm ảnh hưởng của bài viết của ông không có gì đáng kể. Vả lại, hình như ông ra ngoại quốc sinh sống không phải vì lý do tỵ nạn CS. Nên, dù là một giáo sư đại học, ông Quốc vẫn chưa gột rửa hết được những rong rêu, cặn bã của nền giáo dục nhồi sọ của CS mà ông đã hấp thụ. Vì thế, tôi đã thận trọng và tôn trọng quyền tự do phát biểu của ông.
Nhưng vì mục đích đáp ứng yêu cầu của bạn bè, tôi cảm thấy có trách nhiệm tinh thần để làm nhiệm vụ của người cầm bút, viết ít dòng về vấn đề ông NHQ và phổ biến công khai. Tôi sẽ tránh đi lạc vào những vấn đề chỉ là suy đoán, mà đề cập cụ thể đến những gì ông Quốc viết ra trên giấy trắng mực đen. Bài viết của ông luận lý dài dòng, nhưng chung qui vấn đề quan trọng và điều mà ông muốn mọi người biết đến nằm trong mấy trích đoạn sau đây:
* “… quan trọng hơn, ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa…Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết Cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ Cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: Được; trước năm 1990, nói chống Cộng: Được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.”
* Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.”
* … tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt … thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động. Tôi không thích cả hai. Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích. Với tổ chức, tôi không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức…. tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. “Lực lượng” của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ.
Ông NHQ nói ông chỉ viết những gì mình tin là đúng. Dưới đây chúng tôi sẽ thử phân tích những điểm ông tin và viết ra xem đúng ở chỗ nào và không đúng ở chỗ nào. Ý kiến của tôi có thể là chủ quan. Tôi không bao giờ dám độc quyền chân lý. Giữa quan điểm của ông NHQ và nhận định của tôi, sự thật nằm ở chỗ nào, đó là sự đánh giá khách quan và vô tư của bạn đọc.
Chúng tôi sẽ nhận định về các vấn đề sau đây trong quan điểm của ông NHQ.
1. Cộng sản VN đã chết?
2. Chủ nghĩa CS cải lương tại VN.
3. Con bò tót húc mảnh vải đỏ.
1. Cộng sản VN đã chết?
Ông NHQ viết: ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa. Đúng thế, chúng ta chẳng bao giờ nên tốn công, tốn của, tốn thì giờ để chống cái không có. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện tại CSVN còn hiện hữu hay không? Nói khác đi mà vẫn không sợ sai lầm, ý của ông NHQ là CS đã chết. Theo ông Quốc, CS đã chết thật từ sau năm 1991, và chết về cả hai mặt: chủ thuyết (Marxist doctrine) lẫn chế độ (Communist regime.) Năm 1991 các chế độ CS và chủ nghĩa CS tại Liên Sô và các nước Đông Âu đã chết. Ông NHQ nói đúng, nhưng chỉ đúng đối với CS Liên Sô và các nước tại Đông Âu mà thôi. Còn đối với CSVN thì không thể nói thế được. Thực tế, tại VN sau năm 1991, CS vẫn còn sống, nhưng nó tồn tại không hoàn toàn là Marxist-Leninnist. Về tư tưởng, nó cải lương lý thuyết. Về hành động, nó thay đổi chế độ từ xấu đến tồi tệ để giữ vững quyền lực.
Xin nêu ra 3 dẫn chứng sau đây để chứng minh CSVN còn sống:
- Thứ nhất, đảng cầm quyền tại VN hiện nay vẫn xưng danh là đảng CSVN.
- Thứ hai, đảng CS với Bộ Chính Trị gồm 16 tên đầu sỏ vẫn còn ngồi đấy cai trị đất nước cùng với toàn bộ guồng máy chính quyền, quân đội, và công an.
- Thứ ba, Hiến Pháp VN vẫn viết rất rõ ràng: Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Như thế thì sao bảo chủ nghĩa CS tại VN và chế độ VGCS đã chết được? Trong khi VGCS vẫn khẳng định sự hiện hữu của mình - và thực tế nó vẫn hiện hữu - thì ông NHQ lại ngang nhiên phủ định chúng. Trước những sự thật sừng sững như thế, người ta không ai tin rằng ông NHQ, một nhà trí thức lại tỏ ra mơ hồ, lập dị, và thiếu hẳn tri thức đến ngớ ngẩn như thế. Những thay đổi ảo của VGCS mà ông NHQ nhìn vào lại cho là CS không còn nữa. Thì ra ông là một nhà trí thức, nhưng là trí thức xã hội chủ nghĩa. Dù sao ông cũng là một người viết sách, nhà phê bình văn học VN, lại đang dậy Văn Chương VN tại đại học bên Úc, chắc ông cũng biết Trần Tế Xương đã răn đe những ông thầy trong giới văn học nước ta như thế nào:
Văn chương đâu phải là đơn thuốc,
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.
2. Chủ nghĩa CS cải lương
Đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước, nếu Gorbachev không kịp đưa ra các biện pháp Glasnot và Perestroika để cứu vãn Liên Bang Sô Viết thì nước Nga đã tiêu tùng rồi. Người ta tin như thế. Nhưng thực ra Gorbachev chỉ có ý định cải tổ nền kinh tế của nước Nga để cứu nước Nga chứ không phải ông muốn thay thế chế độ Sô Viết. Cũng may cho nhân dân Nga lúc đó, Boris Yeltsin xuất hiện với quyết tâm phải thay thế chế độ mà không nên chỉ thay đổi nửa vời. Đó là một quyết tâm đúng, vì thay đổi nửa vời chỉ là biện pháp cải lương, vá víu, không giải quyết được vấn đề của nước Nga lúc đó.
Bất hạnh cho các chế độ CS còn tồn tại cho đến ngày nay. Trước nguy cơ bị sụp đổ vì tình trạng kinh tế suy sụp, các nước này buộc phải thực hiện các biện pháp thay đổi để giữ vững chế độ. Những biện pháp này tạm thời làm cho đảng CS duy trì được quyền hành, nhưng nó đã làm cho lý thuyết CS biến thành một thứ chủ nghĩa dị dạng, mà tôi gọi là Chủ Ngĩa CS cải lương.
Thật vây, CS tại VN ngày nay không còn là CS mà Karl Marx và Friedrich Engels đẻ ra nữa. Khai sinh ra lý thuyết CS, Marx-Engels chủ đích muốn xóa bỏ bất công trong xã hội, đem lại bình quyền và bình đẳng cho con người. Xã hội bất bình đảng là do giai cấp và nguyên nhân tạo ra bất công chính là tư hữu. Giai cấp tư sản nắm trong tay mọi tư liệu sản xuất để bóc lột giai cấp vô sản. Do đó mới có bất công: người bóc lột người. Vì thế muốn tiêu diệt bất công thì phải san bằng giai cấp và tuyệt đối hủy bỏ quyền tư hữu. Đó là căn bản lý luận của Marx. Nhìn vào trên nửa thế kỷ CS tại VN, người ta thấy đảng VGCS đã tước bỏ quyền tư hữu của người dân một cách hết sức triệt để. Các chiến dịch đấu tố địa chủ ở miền Bắc, đổi tiền, đánh tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp tại miền Nam là những sự kiện còn mang dấu ấn. Khi quyền tư hữu bị tước đoạt và tất cả các tư liệu cùng là phương tiện sản xuất bị tập trung vào trong tay nhà nước thì xã hội trở nên đình trệ. Con người chỉ là công cụ để sản xuất. Người ta gọi nền kinh tế CS là nền kinh tế tập trung. Sống chết với những gì mình có là quyền riêng tư của mỗi người và cũng là điểm tâm lý vô cùng quan trọng nhưng đã bị lý thuyết của Marx gạt bỏ. Chủ nghĩa CS thất bại chủ yếu ở tại điểm này.
Chủ nghĩa CS tại VN cũng không ngoài cái qui luật đó. Nó thất bại vì trái với những qui luật tự nhiên và phản tâm lý. VGCS buộc phải thay đổi để sống còn. Trên bình diện lý thuyết, nhìn vào những thay đổi tại VN, chúng ta thấy có những thay đổi gì? Qua bí quyết khéo léo “mở chỗ này, cột chỗ khác,” nhìn bên ngoài, có thể nói chủ nghĩa CS tại VN không có gì thay đổi quan trọng đi ra ngoài lý thuyết, trừ ra điểm hệ trọng sau đây là, chúng buông thả một phần nền kinh tế tập trung để chạy theo kinh tế tư bản trong các lãnh vực công, thương nghiệp, ngân hàng, và dịch vụ. Cái lưu manh của VGCS trong vấn đề này là khi tư nhân hóa các lãnh vực kinh tế vừa kể, chúng lại trao vào tay các cán bộ đảng viên và con cháu của chúng. Đó chẳng qua chỉ là chuyện đánh bùn sang ao, từ cái ao chung sang các ao riêng. Sự thay đổi này rõ ràng là đi ngược lại nền kinh tế tập trung của CS và phản lại lý thuyết Marx.
Sự ma giáo này của VGCS cho thấy bọn đầu sỏ Hànội là những tay bịp thượng thặng. Bởi vì như thế chúng vẫn nắm gọn được công nhân và nông dân để sai khiến và khai thác. Tại thôn quê, ruộng vườn theo Hiến Pháp vẫn còn là tài sản tập thể nằm trong tay nhà nước. Nông dân bị cướp trắng quyền sở hữu ruộng đất từ ngày có đảng, trở thành ngưòi làm thuê cho ông chủ là nhà nước VC ngay trên mảnh đất của mình. Tại thành thị, khi nhà máy, xí nghiệp được chuyển sang tay cán bộ đảng, người lao động cũng vẫn là những kẻ làm thuê. Trước kia họ làm thuê cho chủ tư bản xanh thì nay họ làm thuê cho những ông chủ mới là bọn tư bản đỏ là các đảng viên. Cái đuôi “theo định hướng xã hội” của nền kinh tế thị trường của VGCS là thế. Xin hiểu rõ để đừng lầm.
Con bò tót húc mảnh vải đỏ
Sau khi tống táng chế độ VGCS xong rồi, ông NHQ tuyên bố: “Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.” Cũng đúng thôi, theo ông Quốc thì CSVN đã chết rồi, còn đâu nữa mà chống? Vấn đề đặt ra với ông NHQ là việc ông chỉ chống độc tài có hợp lý không.
Cái mà ông Quốc gọi là “chính quyền trong nước (riêng người viết gọi chúng là phỉ quyền)” tự thân nó mang rất nhiều thuộc tính (attribute) xấu như người ta thấy - chứ không phải gán ghép - là: cộng sản, phong kiến, mafia, độc tài, toàn trị, bịp bợm, lưu manh, gian ác, tham nhũng v.v. Đối với phỉ quyền, CS còn hơn là một thuộc tính (attribute), nó là bản tính (substance) của chế độ. Bản tính của CSVN cực kỳ gian ác, bởi vì nó chuyên đàn áp, bóc lột người dân, bán nước và làm tay sai cho ngoại bang. Như vậy, bản tính CS của phỉ quyền là cái tội đáng bị trừng trị hơn cả, nhưng ông NHQ đã tháo gỡ đi cho nó rồi. Ông NHQ cho rằng không còn CS tức là ông đã tha bổng cho chúng tội bán nước và làm tay sai rồi. Cứ tạm coi như chế độ trong nước không còn là CS nữa, thì xin hỏi ông NHQ, các thuộc tính khác của nó còn hay không còn? Nếu còn thì tại sao ông chỉ chống độc tài mà không chống lại các thuộc tính khác của chế độ. Công an hiện nay phần nhiều được tuyển dụng từ hạng côn đồ xã hội đen với mục đích để đàn áp dân. Chúng trở lại hình dạng côn đồ xã hội đen trấn áp giáo dân Vinh và Hànội như đã thấy, chúng tự bịt mặt tấn công và thủ tiêu người yêu nước. Phỉ quyền là mafia đấy sao ông Quốc không chống? Từ trung ương đến xã ấp, tên phỉ quyền nào mà không tham nhũng, có khi hàng tỉ dollars sao ông Quốc không chống, mà chỉ chống độc tài? Tôi nghi ngờ rằng ông NHQ nói mà không hiểu mình nói gì. Như thế thì lại phải định nghĩa chữ “độc tài” mới xong được.
Đơn giản, độc tài (dictator) là người ưa nắm toàn quyền lãnh đạo và thích chỉ huy mọi người. Nếu nắm toàn quyền lãnh đạo để đem đến lợi ích và hạnh phúc cho dân thì cũng nên độc tài lắm chứ. Nhờ Lý Quang Diệu và đảng Nhân Dân Hành Động (People’s Action Party PAP) của ông độc tài mà người dân Singapore đêm ngủ nhà không cần đóng cửa, trẻ con đi đường thấy cọng rác nhặt bỏ thùng, lợi tức tính theo đầu người của dân Singapore còn hơn cả Hoa Kỳ. Lại nữa, có thể nói hầu hết các chế độ quân chủ đều độc tài, nhưng vua Lê Thánh Tôn được người đời sau tôn sùng như bậc thánh hiền, vua Trần Nhân Tôn được sùng kính như vĩ nhân. Những tấm gương độc tài như thế thì có ai bảo cứ độc tài là xấu đâu.
Trong các chế độ độc tài xưa nay, dù độc tài phong kiến hay độc tài quân phiệt, người cầm quyền chỉ độc tài mà không toàn trị. Trừ ra CS không những độc tài mà còn luôn luôn toàn trị. Bởi vì chỉ có dưới chế độ CS, quyền tư hữu của người dân mới bị tước đoạt. CS kiểm soát cái bụng của người dân. Cũng chỉ có dưới chế độ CS, quyền tự do tư tưởng của con người mới bị khống chế. CS kiểm soát cái đầu của người dân. Do đó phải nói cho đúng, CS là một chế độ độc tài toàn trị. Nói CS độc tài thôi, không đủ. Viết như ông NHQ “Tôi chỉ chống độc tài thôi” là vô cùng thiếu sót.
Nhưng ông vẫn chủ trương như thế và viết như thế. Đến đây thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng ông NHQ có lý do của ông. Qua câu nói này, ông muốn gởi đến bọn phỉ quyền một “mật điện” rằng: “chỉ cần các anh bỏ việc độc quyền cai trị đất nước (độc tài) thôi, mọi chuyện khác chúng tôi xí xóa hết. Chúng ta xóa bàn làm lại. Như thế các anh cũng chẳng có đi đâu mà thiệt.” Một mặt ông gởi đi bức mật điện cho phỉ quyền, một mặt ông dọa nạt người chống cộng: “ Nói chống cộng bây giờ là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.” Chống cộng lại có hại! Người viết thật sự quá đỗi ngạc nhiên và không hiểu tại sao?
Ông NHQ sao mà giống thằng cháu ngoan “bác Hồ” Nguyễn Đắc Kiên đến thế. Nguyễn Đắc Kiên cũng đã từng đề nghị không truy tố và hồi tố bất cứ tội ác nào của VGCS, kể cả tội bán nước, bán đảo, không tịch thu, tịch biên tài sản của chúng do tham nhũng, ăn cướp mà có, còn cho chúng được ở lại lãnh đạo đất nước, miễn là VGCS buông bỏ độc quyền cai trị.
Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn các khuynh hướng chống cộng hiện nay đều mang một nội dung như nhau là “chỉ chống độc tài” bỏ điều 4 Hiến Pháp, nghĩa là đòi hỏi VGCS từ bỏ độc quyền cai trị, mà không chống chính cái bản chất CS bán nước và những tội ác tầy trời khác của chúng. Người ta thiển cận hay ngây thơ thì không biết, nhưng tất cả đều có một điểm giống là giống con bò tót trong trò chơi dỡn với bò của người Mễ. Bạn đọc có thấy người Mễ chơi trò dỡn với bò tót bao giờ chưa? Con bò tót thật khỏe và hung hăng, nó chỉ nhào đầu húc vào miếng vải đỏ anh Mễ giơ ra bên cạnh, trong khi kẻ đang chọc giận mình là anh chàng Mễ thì con bò lại không coi là mục tiêu phải tấn công. Người ta nói “ngu như bò.” Đúng quá.
Viết bên lề để kết luận
Ông NHQ, theo tin trên internet, là một khoa bảng xuất thân đời Lê Duẫn, nhà Hồ. Ông đỗ đạt, ra làm quan chức giáo học. Không rõ vì lý do gì ông bỏ nghề dậy học sang nước Kangaroo sinh sống. Ông cũng lấy được bằng tiến sĩ của nước này và lại tiếp tục nghề gõ đầu trẻ tại đây. Ngày mới ra hải ngoại, ông Quốc chống cộng rất hung hăng. Ông chửi Hồ Chí Minh bằng những từ ngữ thô bỉ: Tên bạo chúa giả hình, con quỉ hung ác, kẻ vô liêm sỉ, cáo, chồn, tinh v.v. Sau khi cho rằng CS đã chết, ông trở giọng ca ngợi Hồ là một lãnh tụ tài ba, một chính khách giỏi. Chuyện uốn lưỡi của ông NHQ cũng giống như câu chuyện tên đầy tớ đi chợ mua cái lưỡi về cho chủ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa. Xin nhắc lại cho vui vì biết ông NHQ cũng là một thầy đồ. Nếu soi trong cái gương “tên đầy tớ” chắc ông Quốc sẽ nhìn rõ con người mình hơn. Có người gọi ông là trở cờ. Người viết thì không, chỉ coi ông thuộc loại chuyện “cóc chết 3 năm quay đầu về núi”, bởi vì tháng 4-1975 ông Quốc mới chỉ là cậu “học trò thò lò mũi xanh” thôi thì đã cầm cờ bao giờ đâu mà trở.
Ông NHQ viết, ông không thích chữ CHỐNG. Chống, trong tiếng Việt, thường gợi lên hai ấn tượng là gắn liền với tổ chức, và có tính chất bạo động. Với bạo động, ông tuyệt đối không thích. Với tổ chức, lý do đơn giản là ông không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức.
Đấu tranh bất bạo động thì ai cũng muốn, nhưng khi VGCS chỉ sử dụng những biện pháp côn đồ và bạo động để đàn áp người đấu tranh thì ông NHQ chỉ dậy ra sao, không thấy ông đưa ra biện pháp. Chúng ta đang nói chuyện đấu tranh chính trị. Trong đấu tranh, có bao giờ hoàn toàn tránh được bạo động, chỉ là mức độ nhiều - ít thôi. Người VN, dù không phải là binh gia hay chiến lược gia đều thuộc lòng câu “Tiên lễ hậu binh” cũng là vì tính không thích bạo động. Chuyện binh đao, nói chung là bạo động, chỉ là bất đắc dĩ, và chỉ sử dụng khi cần phải dùng đến. Nói như ông Quốc “Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích” nhiều khi bí, không có lối ra. Nếu ông Quốc là một nhà cai trị thì có phần chắc là đất nước sẽ gặp khó khăn.
Còn như chuyện ông không thích trong “đội ngũ” cũng vậy. Sống tự do phóng túng thì ai chả khoái. Nhưng khi cần phải lo cho cái chung thì sao? Nhiều người cùng đứng ra lo trong một tập thể vẫn hơn từng người mạnh ai nấy lo chứ? Ông cha ta không phải vô cớ mà răn dậy con cháu: Hợp quần làm nên sức mạnh. Hay: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Là giáo sư văn chương Việt, hẳn ông NHQ thuộc những câu đó.
Ông đấu tranh không bạo động, không đội ngũ, còn về lực lượng - như ông viết - là sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Phương tiện xưa là cây viết, bây giờ là computer. Xưa nay, mặt trận đấu tranh tư tưởng vẫn là mặt trận lợi hại nhất. Ông NHQ muốn là người đi tiên phong trong mặt trận này? Nhưng đáng tiếc, tư tưởng của ông ngay khi vừa thoát ra khỏi đầu đã cho thấy là loại tư tưởng “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,” nghĩa là nó thiếu thực tế và hoàn toàn không thực dụng. Người VN nào cũng đấu tranh như ông thì VGCS cứ việc yên tâm, ăn no ngủ kỹ. Một ông tiến sĩ dậy đại học thì nhất định không phải là người đoản trí. Ông không lập dị thì cũng là người bất bình thưòng. Còn như ông muốn truyền bá phương thức đấu tranh của ông cho người Việt Nam thì I “can” You.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất