Hai mùa xuân xưa


 Bài 21:
Hai mùa xuân xưa
Chuyện Thâm Cung Dưới Triều Đại HCM
(Tác giả: Việt Thường)


LTS: Hồn Việt xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài ký sự của tác giả Việt Thường nêu lên một tội ác tàn bạo của tập đoàn Việt gian cộng sản. Trong bài ký sự, có nêu tên Trọng Kính, đó là một trong những bút danh của Nhà Báo Việt Thường khi còn đang là phóng viên của báo Độc Lập, tờ báo của đảng Dân Chủ VN (đảng bù nhìn trong vở kịch đa đảng của Việt gian cộng sản), trụ sở tại Lý Thường Kiệt, Hà nội, từ trước 1975 cho đến 1989 bị Việt gian cộng sản khai tử, vứt vào thùng rác lịch sử tự do cuội của nền báo chí trong tay lũ Việt gian Hồ chí Minh và những kẻ kế thừa.

 
Đầu năm 1967


Chỉ còn một tuần lễ nữa là Tết Đinh Mùi. Hà-nội năm đó lạnh lắm. Bến Phà-đen lại càng lạnh vì gió từ mặt sông Hồng đưa lên. Trong mặc áo bông trấn thủ, ngoài mặc áo bông xanh cổ lông mà tôi vẫn thấy người run bần bật. Bến tàu thủy đi Thái Bình đây rồi, nhưng sao tối thui và im lặng thế. Đường lầy lội, tôi vừa dựng xe đạp thì có bóng đèn pin loáng trên mặt tôi và tiếng cười vui của giám đốc công ty vận tải đường sông Hà-nội:

- Chào anh Trọng Kính*. Anh ra sớm thế. Nửa tiếng nữa mới nhổ neo.


Tôi chào lại và nhìn xuống bến, Chiếc tàu Giải Phóng nằm im lìm. Một thuyền viên nhắc giùm tôi xe đạp lên boong tàu. Thấy tôi chẳng nói gì, ông giám đốc gặng hỏi:

- Anh có nhận xét gì không?

- Được lắm. Ngoại trừ một ánh đèn pin vừa xong của anh còn thì tối đen như mực.

Giám đốc cười hỉ hả:

- Này, xin báo cáo với anh là hành khách đã xuống hết rồi đấy, thế mà không một ánh lửa, không một tiếng ho. Chúng tôi đã chấp hành triệt để lệnh trên về phòng không nhân dân. Máy bay Mỹ có đến lúc này thì cũng mù tịt chẳng thấy gì hết. Anh nhớ nhấn mạnh điểm này trong bài viết của anh nhé.

Tôi phì cười:

- Các anh yên tâm. Chúng tôi có nhiệm vụ viết để động viên chứ có bao giờ phê bình đâu. Lãnh đạo bộ giao thông, lãnh đạo sở giao thông thành phố và cả bộ biên tập báo bên tôi cũng đã căn dặn rồi. Khác tý chút là khỏi in, anh đừng lo.

ùm… ùm

Còi tàu thủy vang lên trên mặt sông, trầm trầm, loãng dần vào sương mù. Thuyền trưởng Bách từ dưới bến đi lên chào tôi:

- Báo cáo anh, được sự chỉ đạo của đảng ủy và ban giám đốc công ty, được học tập về điều lệnh phòng không nhân dân, tàu Giải Phóng II chúng tôi đã có quyết tâm thư gửi lên Hồ chủ tịch, lên trung ương đảng, lên chính phủ, lên quốc hội, lên đảng đoàn và đồng chí bộ trưởng giao thông vận tải, lên tổng công đoàn, lên đoàn thanh niên lao động, lên thành ủy và ủy ban thành phố, lên đảng ủy và ban giám đốc sở giao thông vận tải thành phố, lên hội đồng phòng không thành phố, lên liên hiệp công đoàn Hà-nội… kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về tài sản và… và… về người nếu giặc Mỹ dám đánh vào bầu trời Hà-nội. Tất cả thuyền viên đều có quyết tâm thư hy sinh thân mình cứu tàu, cứu máy nếu tình huống xấu nhất xảy ra.


Tôi không dám cười vì lời chào tràng giang đại hải thế. Đã quen với lối ăn nói “mới” từ sau 1954 đến nay, dù là ở cấp bộ hay cấp tổ; dù là ở cơ quan văn hóa hay đội vệ sinh, thì đều nói, nghĩ và viết theo cái mẫu có sẵn như vậy. Tôi cũng chẳng giận vì cứ phải rét muốn chết mà cũng chưa được xuống tàu tránh gió, tránh lạnh. Cũng như bạn đọc báo, họ cũng phải đọc cái lối viết theo mẫu của chúng tôi, y như ta điền mẫu đơn vậy. Những chỗ chấm chấm thì điền tên người, ngày, tháng, năm sinh; tên cha, tên mẹ và v.v…, chỉ khác nhau ở chỗ đó. Nếu tiêu đề các đơn từ có phần mở đầu là “Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”; thì mở đầu bài báo cũng có cái khuôn chung như vậy: “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và Hồ chủ tịch”.


Thuyền trưởng Bách bố trí cho giám đốc công ty vận tải đường sông Hà-nội – thủ trưởng của anh ta – và tôi ở phòng của thuyên trưởng. Vừa lên boong tàu chưa được vài phút thì tàu rời bến sau một hồi ùm… ùm… ùm. Tiếng còi tàu thủy nghe lúc nào cũng có cái vẻ chia ly, buồn bã. Tôi vào phòng lái xem thuyền trưởng Bách lái tàu đi trong sương mù. Sương bao bọc làm cho sông chẳng có bến, có bờ, có đầu, có cuối. Mùa này nước sông cạn. Tàu chạy chầm chậm, tiếng máy run nhè nhẹ. Tôi nhìn trong đêm cái dáng cao lớn của thuyền trưởng và tưởng như con sông in trong đầu anh. Chợt có tiếng gõ vào kính, ông giám đốc làm hiệu gọi tôi ra. Chẳng cần nghe ông ta nói, tôi cũng hiểu đây là cái khoản “ấm bụng”, nghĩa là tý rượu “quốc lủi” bên Từ-sơn và… món nhậu thì thật là tươm tất, phong phú.


Ca-bin thuyền trưởng rộng hơn chiếc giường cá nhân tý chút, mấy ô kính có rèm vải che kín. Khi cửa mở, ánh đèn vàng yếu ớt hắt ra. Mâm rượu đầy ắp, nào thịt chó luộc, dồi chó, cả một con ngỗng quay đã chặt, xếp đến tận miệng chiếc nồi nhôm, rồi lạc rang và các thứ rau với bánh đa nướng.


Ông giám đốc xoa tay cười khô khan (chắc là nước miếng đang tứa ra):

- Ta chiến đấu đi anh. Thằng Bách còn phải lái tàu.

- Lính vận tải của các anh, cả bộ cả thủy, đều hào phóng thật.

Ông ta ừ à, còn mãi vắt chanh vào chén mắm tôm, rồi chế thêm một thìa rượu. Cái món nước chấm này bốc lên ngan ngát làm dạ dày cồn cào. Rượu uống bằng chén ăn cơm. Nó tê tê, êm êm, nóng ran trong miệng, ấm áp lan xuống họng, xuống bụng; mùa đông đang bị đẩy ra:

Tôi cắn một miếng giềng, cay cay đầu lưỡi. Cắn thêm một miếng ớt, cả miệng nóng lên. Miếng thịt chó luộc, phần má của con chó, ròn mà không quá mỡ; vài cánh rau húng, vài hạt lạc và mẫu bánh đa lớp rớp trong miệng… làm thần kinh lưỡi đê mê, làm đầu dịu lại. Chợt ngửng mặt lên, phía đầu giường của thuyền trưởng, ngay sát trên đầu ông giám đốc ảnh của ông Hồ chí Minh lồng khung kính đặt trên bàn thờ tổ quốc, mặt đỏ au, gần bằng màu cánh hoa hồng cắm trong lọ cạnh đấy. Chỗ nào ông ấy cũng trườn mặt ra, tài thật! Tôi e hèm:

- Này ông giám đốc, ai ở sau lưng anh kìa?

- “Cụ” chứ ai. “Cụ” cũng cảm thông cho lính tráng gian khổ quá nhiều phải “cải thiện” mới có sức phục vụ “Cụ” và cách mạng chứ.

Tôi vờ làm giọng nghiêm:

- Các anh mua rượu ở đâu? Tiền đâu mà các anh ăn tiêu như thế này?

Vẫn cái giọng lúng búng mồm đầy thịt:

- Tất cả đều là “lộc” của “Cụ” cả. Ai bảo “Cụ” cho phép mấy thằng tỉnh ủy Hà-bắc được nấu rượu lậu để nộp cho Ban bảo vệ sức khỏe của trung ương làm rượu thuốc. Ai bảo ban chủ nhiệm các hợp tác xã cho vợ con và tay chân đi buôn chuyến. Và… và… “Cụ” lại cho con quản lý đội tàu này…


Ông ta cười ha hả, hẳn lý thú vì câu nói có duyên của mình, bắn cả thức ăn trong miệng ra. Một mẩu thịt dính vào mặt tôi. Thế là cái hứng “nhậu” của tôi lắng xuống. Hết cơn cười, ông ta lại nói:

- Cánh nhà báo các anh lạ tỏng gì nữa mà giả vờ. Lương thằng Bách mà có bảy chục một tháng thì ăn gì, chưa nói đến thuyền viên, làm sao mà thi đua cho nổi, làm sao động viên chúng nó được. Cho nên tôi lờ đi, một thứ giao kèo ngầm mà, cho chúng nó chở ít hàng lậu, khách lậu, bán trộm ít dầu, nhớt để cải thiện. Miễn là chúng nó phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch là được. Anh xem, từ ngày tôi về làm giám đốc ở đây, ba năm liền là đơn vị “lao động xã hội chủ nghĩa” rồi đấy, năm rồi được nhận lẳng hoa của Hồ chủ tịch.

Đúng là tôi biết, còn nhiều hơn nữa, cả cái khoản tàu, các xà-lan tự hành phải “nộp cống” cho ông; rồi ông lại “nộp cống” lên ban giám đốc và đảng ủy của sở và sở lại “nộp cống” lên thành và bộ. Chỗ nào cũng thế cả. Có khác là từ tháng 8-1965, Mỹ ném bom ra miền Bắc, thì cánh vận tải cả ô-tô, tàu thủy, xà-lan và tàu hỏa – là vớ bẫm nhất. Bọn họ giàu nhanh như thổi và dễ… lấy vợ. Giáo sư, bác sỹ và… nhà báo thì vẫn cứ nghèo mạt rệp.

Tôi tụt khỏi giường, quờ chân tìm đôi dép lốp. Ông giám đốc hỏi:

- Đi đái hả? Lạnh lắm, hé cửa, ghếch nòng súng đái mẹ nó ra ngoài boong ấy. Tôi vẫn làm thế đấy, không thì cụt hứng vì đi với lại.

- Anh ngồi lai rai đi, tôi tạt xuống xem hành khách sinh hoạt ra sao mới biết đường mà viết chứ.


Cánh cửa ca-bin khép lại mà tôi còn nghe tiếng cười “nịnh” của ông giám đốc đuổi theo. Báo chí tuy nghèo nhưng lúc này lại có sức mạnh, nhất là từ khi ông Hồ chí Minh đề ra việc biểu dương “người tốt việc tốt”, “người thật việc thật”, coi đây là một trong các biện pháp xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Những người được báo chí biểu dương dễ được nhận huy hiệu của “Hồ chú tịch”, đấy là sự thoát ra ẩn số khỏi cái đám quần chúng, để đứng ở ngõ vào “đại lộ quan lại”. Những đơn vị được biểu dương sẽ đạt thành tích thi đua, toàn đơn vị được nâng quỹ tiền khen thưởng, nâng quỹ phúc lợi và bộ tứ lãnh đạo – đảng, chuyên môn, công đoàn, thanh niên – sẽ được nâng lương, đề bạt ở chức cao hơn hoặc cho phép đơn vị phình to ra. Cho nên các tỉnh, các ngành đua nhau họp báo, chiều chuộng cánh báo chí. Họ tưởng mấy thằng cha viết báo quyền hành lắm đấy. Sự thật thì họ có tiếp đãi nồng hậu hay không cũng chẳng sao… Còn nhà báo chỉ ngồi nhà cũng viết được. Vì tất cả là dựa vào các loại báo cáo của các ngành – do tuyên huấn đảng ủy cơ sở soạn thảo – đã được đảng ủy các cấp thông qua, từ số liệu mọi loại chỉ tiêu, từ các cá nhân tích cực với bản tự khai và sơ yếu lý lịch, hàng chục con dấu đỏ lòe loẹt. “Thực tế” đấy, cứ dựa vào đó mà viết. Đại loại là lúc đầu có khó khăn – hậu quả của xã hội cũ – nhưng rồi có sự lãnh đạo của đảng ủy, mọi người nhớ đến “bác”, không muốn cho “bác” buồn, thế là dựa vào các nghị quyết của trung ương, các văn kiện đại hội đảng, lòng căm thù “Mỹ-Ngụy” mà vươn lên. Kể cả khi viết về các ca mổ gan khô của bác sỹ Ty, đỡ những ca đẻ khó của bác sỹ Thìn ở bệnh viện C, cũng vẫn theo cái công thức chung như thế. Cho nên việc nhà báo đi cơ sở cũng giống như mấy diễn viên hôn gió khán giả, chỉ là tăng thêm phần thân mật mà thôi.


Tổ trưởng thuyền viên Tâm, có biệt danh Châu Xương vì có hàm râu quai nón loại chổi xể, từ hầm hành khách bấm đèn pin cho tôi xuống thang. Đứng sát Tâm, tôi bảo anh cứ để tôi tự nhiên như một khách đi tàu.

Tối quá. Lối đi toàn chân người chìa ra. Tôi đi về mạn đuôi, xin lỗi được tìm một chỗ ngồi. Giọng một bà cụ:

- Chú ngồi đây. Còn rộng chán. Càng đông càng ấm chứ sao.

Tôi ngồi xuống cạnh bà cụ. Bàn tay bà cụ nắm vào tay tôi, lạnh, xương xẩu, sần sùi, hơi run run. Tôi khẽ hỏi cho có lệ:

- Mẹ đi đâu đấy?

- Tôi đi gần đây thôi – Hưng-yên ấy mà. Thế chú đi đâu?

- Con đi Thái-bình

Bà cụ thở dài:

- Nghe nói bên đó mất mùa. Lại đói nữa thôi. Chẳng biết đến bao giờ mới được bữa ăn no. Cũng tại thằng Mỹ cả thôi. Đến cụ Hồ mà cũng bữa cơm chỉ có vài quả cà xứ Nghệ. Thật, nghĩ đến cụ mà chỉ muốn khóc.


Tôi miễn cưỡng “vâng” mà lòng ngao ngán tự hỏi: ăn cơm với vài quả cà mà ngày càng béo múp đầu múp đuôi. Sao dân chúng còn khờ quá vậy”. Chợt nghĩ mình cũng đang trong bộ máy tuyên truyền xuyên tạc của ông ta, tôi thấy mình quả có tội với những người dân chân thật này. Rồi trong tôi lại nổi lên “thằng bào chữa cá nhân” rằng mình đi nhiều nhưng chỉ viết những thứ vô thưởng vô phạt. Cho dù vậy, tôi vẫn tự véo đùi mình để tự trừng phạt. Bỗng tay tôi chạm phải một cái đùi nóng hôi hổi qua lớp vải mỏng. Chẳng cần quay lại nhìn người ngồi bên, tôi cũng biết đây là một cô gái. Tôi vội rụt tay lại. Và, lúc này thoang thoảng qua mũi tôi một mùi là bưởi, bồ kếp có chút mùi lá sả. Tôi cúi xuống ngửi áo của mình. Mùi nước đái con nít nhưng vẫn khai. Vợ chồng tôi vẫn phải lấy chiếc áo bông này đắp cho đứa nhỏ, mà con bé hay đái dầm quá thế mà áo thì cứ để qua mùa đông mới giặt được. Nhà có mỗi cái chăn bông đắp hai vợ chồng và đứa con lớn. Tôi đi vắng thì ba mẹ con được nằm chung. Nghĩ đến mình hôi hám, tự nhiên ngượng với con người sạch sẽ ngồi bên.


Có tiếng chuông lanh canh, tàu như dừng lại. Hành khách lao xao đứng lên gọi nhau ý ới. Cửa bên hông tàu mở ra, gió lạnh thổi vào cùng với tiếng mời mua quà bánh. Đây là bãi Tự-nhiên (thuộc Hưng-yên), tàu không vào bến trong mùa nước xuống nên khách phải đi đò ra và vào bến. Các thuyền con của nhà hàng vây quanh tàu như một cuộc họp chợ. Tất cả đều làm ăn, trả tiền, thì thào trong bóng tối, không một ánh đèn hay lửa.


Bà cụ ngồi bên tôi lên bến này. Tôi dìu bà cụ dậy, nắm chặt tay bà cụ trong tay, tôi cảm thấy một nỗi tê tái dâng lên. Bàn tay mẹ tôi bây giờ cũng gầy, xương xẩu và sần sùi như vậy, ấy thế mà có thời là hoa khôi kia đấy. Sự khốn cùng và thời gian đã tàn phá hết cả.


Cuộc mua bán, ăn uống, đưa hàng lên tàu, chuyển hàng xuống thuyền, những câu thì thầm, những cái đập tay và tiếng cười cầu tài… phải gần nửa tiếng đồng hồ sau mới xong. Con tàu lại rồ mát nhè nhẹ. Chỗ bà cụ lên bến ngồi có hai thanh niên nồng nặc mùi rượu. Một anh chàng hơi thở như mùi lạc thối phả ngang mũi tôi.

- Bác ngồi xích vào chút nữa đi.

Tôi chưa kịp xích thì anh thanh niên thứ hai đã nói:

- “Tàu là nhà, hành khách là chủ”, khẩu hiệu này dán từ ở phòng bán vé cho xuống đến tàu, anh không thuộc hay sao mà cứ đòi ngồi thoải mái!!!

Cô gái cạnh tôi dịch một chút và khe khẽ với tôi:

- Anh dịch vào đây cho các anh ấy ngồi. Mỗi người chịu đựng một chút vậy.

Tiếng nói này đúng là “dân Hà-nội” chính gốc. Nhẹ nhàng như tiếng gió, trong như tiếng hạc. Giọng cô ta nghe sao sang trọng và dõng dạc lạ thường.

Anh chàng ngồi cách tôi một người lè nhè giọng rượu:

- Chà, chà, có “phún” (tiếng lóng là phụ nữ) là vui rồi. Cô em giọng ngọt ngào như thế chắc là hát hay lắm. Đề nghị phục vụ bà con một bài đi.

Cô gái ngồi im, chợt cái đùi hơi cựa cậy. Tôi cảm thấy sức nóng từ đùi con gái trinh nguyên truyền qua tôi, tuy đã hai lần quần vải gai. Tiếng anh chàng hôi mùi lạc thối ồm ồm:

- Hát đi cô em. Thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang” mà nhát bỏ mẹ! Thế thì đánh Mỹ sao nổi?

Tay bạn hùa theo:

- Các anh là giặc lái đây (tức lái xe ô-tô). Mới từ khu bốn lửa đạn về thăm gia đình. Hát đi rồi về quê anh chơi, anh chi hết tiền tàu xe đi xe về lại còn quà cáp nữa, ừ đi!

Cả tàu im lặng, chỉ có tiếng máy rù rù và sóng nước ì oạp đánh vào mạn tàu. Anh chàng hôi mùi lạc thối đập tay vào đùi tôi:

- Ông anh làm ơn đổi chỗ cho đàn em đi. Xin “các” ông anh hai gói Điện-biên giấy bạc hút cho vui. Được không?

Cầm tay anh ta, tôi đặt về đùi anh ta, nhưng cố tình bóp tay anh ta thật mạnh – thị uy sức mạnh mà – :

- Tôi cũng sắp tới bến rồi. Hai anh hát trước đi.

Hẳn là hiểu sự cảnh cáo “hòa bình” của tôi, anh ta cười cười:

- Ông anh “tập tạ” hay sao mà khỏe thế. Bóp gẫy mẹ nó bàn tay câu cơm của đàn em rồi. Ừ, hát thì hát.

Rồi quay sang bạn:

- Này Thọ sùi, tao với mày đồng ca bài “Mười yêu” đi.

Và, hai thanh niên mới – sản phẩm của ông Hồ chí Minh – cùng hát, đúng ra là gào lên:


“Một yêu anh có peugeot (1)

Hai yêu anh có Seiko (2) đàng hoàng

Ba yêu anh có bộ đồ sang

Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô

Năm yêu không có bà bô (3)

Sáu yêu Văn-điển ông bô sắp về (4)

Bảy yêu lái xe là nghề

Tám yêu phe phẩy, lè phè, nhởn nhơ

Chín yêu bạc lắm, tiền dư

Mười yêu dù lớn, dù vừa che thân (5)

Với em, tiêu chuẩn phu quân

Rõ ràng cho xứng mười phân vẹn mười

Bà con ơi, xin chớ có cười!”


Tiếng hát vừa dứt, hai anh chàng tự vỗ tay tán thưởng trước. Một số khách đi tàu cũng vỗ tay theo. Anh chàng “lạc thối” lớn tiếng:

- Ngồi đây mới biết là còn sống về lễ ông bà, ông vải ngày Tết bà con ạ. Thuốc lá Điện-biên bao bạc đây, xin mời bà con hút một điếu đoàn kết cho vui.

Cả tàu bỗng nhao lên gọi phần thuốc được mời. Anh chàng lễ phép mời tôi và cô gái bên cạnh. Có tiếng Tâm “Châu Xương” sang sảng:

- Lệnh phòng không, cấm lửa bà con ơi. Đề nghị triệt để chấp hành điều lệnh phòng không nhân dân khi đi tàu.

Bạn anh “lạc thối”, có tên Thọ sùi, nổi giận:

- Đéo cho hút thì thôi, bà con giữ làm kỷ niệm năm hết Tết đến vậy.

Tiếng Tâm nạt lại:

- Đề nghị đồng chí ăn nói đàng hoàng, đừng văng tiếng Đức như thế.

- Nói tiếng Cu-ba, Cu-mẹ được không?

Mấy người già giàn hòa. Tâm bỏ đi, còn hai anh chàng “giặc lái” vẫn ấm ức văng tục một lúc nữa.

Tôi chợt nhớ đến tiếng “đồng chí”, giờ đây nó được dùng vào lúc người ta định đối phó với nhau, định chụp cho nhau các kiểu mũ. Lại cũng một sản phẩm ngôn từ nhãn hiệu Hồ chí Minh.

Cô gái khẽ nói với tôi:

- Anh làm ơn cho em lách ra, sắp tới bến em phải lên rồi.

Tôi như hụt hẫng:

- Vậy hả… chúc cô năm mới mọi điều may mắn tốt lành nhất.

- Em cám ơn anh. Xin được kính chúc anh và gia đình sức khỏe, công tác tốt.

Cô gái cúi người nhặt chiếc túi xách dưới gầm ghế, mớ tóc lao xao và hương lá bưởi, bồ kếp lại bay lên. Tôi khẽ hít đầy lồng ngực.

Tôi lên boong tàu. Nghe tiếng chèo thuyền lõm bõm mà chẳng thấy thuyền. Cái lạnh ngấm nghía. Cái lạnh tái tê. Khi tàu chuyển động, tôi đi về phòng thuyền trưởng. Mâm nhậu chỉ có mình ông giám đốc, tay còn cầm cái chân chó, bát nước sáo trong mâm, ghếch đầu dưới bàn thờ ông Hồ chí Minh, đang ngáy như Trương Phi.

Vừa kịp ngồi lên giường thì một thuyền viên mở cửa bê cho tôi tô sáo chó nóng hôi hổi. Tôi húp một miếng mà chẳng cảm thấy mùi vị gì. Thoang thoảng bên mũi tôi như vẫn còn mùi lá bưởi, mùi bồ kếp và lá sả. Tôi đưa điếu thuốc lá cho anh thuyền viên. Anh ta đưa lên mũi hít hít và cười thú vị:

- Điện biên giấy bạc đây. Tiêu chuẩn Vân-hồ (6) đấy. Em xin anh.

Tôi thấy mình như đang đi trong sương mù, không đầu, không đuôi, không bến, không bờ: người đầy tớ vĩ đại nhất của nhân dân đang trên bàn thờ “Tổ quốc”; người đầy tớ trung thành của nhân dân đang nằm ngáy o o, tay còn cầm chiếc chân chó nấu sáo. Những người chủ của đất nước đang chen nhau dưới hầm tàu hôi hám. Và tôi, người có lý lịch là thành phần “bóc lột” đang được giai cấp công nhân phục dịch, vâng dạ.



 
Mùa xuân năm 1971


Bộ nông nghiệp tổ chức họp báo giới thiệu những đơn vị và cá nhân có thành tích chăn nuôi lợn. Sau hội nghị, tôi được phó giám đốc kỹ thuật của “trại lợn giống” ở tỉnh Thanh-hóa mời về thăm trại. Chúng tôi đi tàu hỏa đến ga Phủ-lý rồi từ đó đi bằng xe đạp.


Phó giám đốc Tân tốt nghiệp khóa 1 trường trung cấp nông lâm. Quê anh là Đồng-kỵ (Hà-bắc), nơi làm pháo nổi tiếng cả nước. Ai chưa được dự ngày “Hội pháo” của Đồng-kỵ thì quả là một thiếu sót lớn. Dân Đồng-kỵ chịu chơi lắm và rất hiếu khách.


Chiếc xe đạp của tôi được sản xuất tại quê hương của Lénine và Staline, nặng như cái cùm, lại cao lêu nghêu. Xe của Tân làm tại Việt Nam, nhưng vật liệu do hãng Mercier của Pháp để lại. Tôi cứ phải tưởng tượng rằng mình đang tập thể thao mới đủ hào hứng đạp “cái cùm” này hơn một trăm ki-lômét đường đất lầy lội. Tân đề nghị đèo giúp tôi cái ba-lô. Đi đường xa, chúng tôi đều có kinh nghiệm là bỏ bớt được cái tăm cũng nên bỏ cho nó nhẹ. Cánh làm báo thuộc thành phần “hạ phong” như bọn tôi đi vào tận Vĩnh-linh cũng đạp xe từ Hà-nội. Làm gì có xe con đưa đón như Xuân Diệu hay Chế lan Viên, nằm giường trải nệm trắng, tiêu chuẩn của chuyên gia Nga-xô, để viết bài ca ngợi “Quê hương Võ đại tướng”! Hai nhạc công “trompette” này thuộc loại thượng thừa trong môn phái Tố Hữu.


Khởi hành từ 5 giờ sáng, đến giờ gà lên chuồng buổi chiều, bọn tôi đã ngồi trong văn phòng của trại, uống ly trà xanh với thìa đường Cu-ba màu cánh gián. đây, ông Hồ chí Minh cũng chễm chệ ngồi trên bàn thờ “Tổ quốc”; cũng có ba nén nhang và ngọn đèn dầu lửa, chiếc băng tang viền quanh khung ảnh. Xung quanh tường là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Tôn đức Thắng, Nguyễn lương Bằng, Hoàng quốc Việt.


Mặt trời đã khuất, mà tiếng bìm bịp vẫn nỉ non vọng vào. Trại chỉ có ba đàn ông, còn toàn đàn bà, con gái. Ba đàn ông là Tân, phó giám đốc; Cam lái xe và Tôn làm tiếp liệu. Bí thư đảng là Cú, nghe nói là cốt cán của địa phương hồi cải cách ruộng đất, có chồng là chánh văn phòng tỉnh ủy Thanh-hóa. Anh này là dân tạch-tạch-sè – tiểu tư sản –, nhờ lấy vợ cốt cán nên được đề bạt vào chức vụ quan trọng như vậy – Dọc đường đi, khi nghe phó giám đốc Tân nói cái tên Cú, tôi đạp “cái cùm” đang muốn gãy giò mà phải phì cười:

- Này Tân, tên là Cú mà người có cú không?

- Kinh khủng anh ạ. Như con mụ phù thủy. Mụ ta cũng ém em dữ lắm nên đến nay em vẫn ở ngoài đảng, mặc dù mọi sự điều hành do em.

- Thế sao cậu được đề bạt phó giám đốc?

- Trại này em đến từ lúc có ba con lợn nái và con lợn nọc. Một tay em gầy dựng nên, đồng chí trưởng ty của tỉnh về thăm chịu em lắm, mà ông ấy là thường vụ tỉnh ủy nên ông ấy ký lệnh đề bạt em. Còn vấn đề đảng thì ông ấy đành chịu vì phải dựa vào cơ sở.

- À ra thế.

Dụ dự một hồi, Tân hỏi:

- Anh chắc… đảng thâm niên lắm nhỉ?

Tôi phì cười:

- Bạch vệ như cậu thôi.

- Em tưởng phóng viên báo các anh là đảng viên hết.

- Không là đảng viên hết nhưng tất cả đều do đảng trả lương và sử dụng, như cậu vậy.

Tôi thì mệt, Còn Tân có vẻ suy nghĩ lung lắm. Từ lúc ấy cả hai chỉ lo mải mê đạp cho chóng đến trại còn được nghỉ ngơi.

Đến bữa ăn tối, tôi mới được gặp bí thư đảng Cú và giám đốc Tơ. Trại này đã quen tiếp khách thập phương đến tham quan nên ra vẻ lắm. Bí thư Cú qua nghi lễ giới thiệu của Tân dùng cả hai tay lắc mạnh tay tôi, cười nhe bộ lợi màu bùn than và hàm răng nhuôm nhuôm:

- Chào đồng chí nhà báo. Thay mặt lãnh đạo đảng, chuyên môn, công đoàn và thanh niên trại lợn của tỉnh Thanh-hóa, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của đồng chí. Đây là sự khích lệ to lớn cho chúng tôi phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm. Chúc đồng chí sức khỏe, lăn mình vào thực tế của trại để giới thiệu kinh nghiệm của trại chúng tôi cho cả nước cùng nhau thi đua “chắc tay cày tay súng” (7) vì công ơn và sự nghiệp của Hồ chủ tịch vô vàn yêu quý và vĩ đại.


Dứt lời, bí thư Cú rút hai tay lại và theo thói quen vỗ vào nhau đôm đốp như trước cuộc mít-tinh vậy. Giám đốc Tơ vỗ theo, rồi đến Tân và tôi cũng phải vỗ tay đáp lễ.


Bốn người vào tiệc. Nếu bí thư Cú vừa béo vừa lùn bao nhiêu, hai con mắt lươn tí hý, cái mồm trư bát giới thì giám đốc Tơ lại cao và gầy bấy nhiêu, hai con mắt ốc nhồi và cái mồm rộng ngoác. Còn Tân khá điển trai với nước da mánh mật, hai con mắt sáng, thông minh, đầu cắt theo kiểu Tố Hữu – lòa xòa trước trán. Bữa cơm đầy vẻ khách khí. Bí thư Cú ra công tiếp thức ăn cho tôi, còn giám đốc Tơ im lặng, thỉnh thoảng chạy ra chạy vào – theo lệnh bí thư Cú – lúc thêm trái ớt, đĩa lòng gà xào dứa, lúc bát canh gà nấu bí đao. Tân và tôi mệt và đói nên đánh chén rất thực lòng. Đã lâu lắm tôi mới cảm thấy bữa cơm ngon như thế, y như mẹ tôi hoặc chị tôi nấu ở nhà những ngày có giỗ.


Sau bữa ăn, bí thư Cú muốn tôi về phòng khách của trại ngủ, nhưng Tân rủ tôi về chỗ ở của Tân, lấy cớ là trao đổi với tôi một số vấn đề chuyên môn.


Căn phòng ngủ của Tân liền ngay phòng làm việc. Văn phòng trại sơ tán theo lệnh phòng không của tỉnh. Giường ngủ cũng như chỗ bàn làm việc có hào ra khỏi nhà vào ngay hầm trú ẩn chữ A. Khá an toàn về máy bay nhưng hào và hầm lại có sức lôi cuốn rắn các loại.


Tôi cứ tưởng ngủ ngay được, nhưng khi Tân ghé tai tôi nói:

- Thức ăn chiều nay anh có thấy cái vị Hà-nội không?

Tôi chợt nhận ra điều đó và gật đầu. Tân thì thào:

- Một đồng hương của anh đang ở đây và nấu cho anh ăn đấy. Em định kéo cô ấy ra cho anh cám ơn “chị nuôi” (8) nhưng cô ấy nhất định không chịu ra, chỉ nhìn qua khe vách. Mọi khách khứa khác cô ấy không bao giờ rụt rè như thế đâu. Cùng người Hà-nội với nhau, hay là cô ấy biết anh?

Tôi bật cười:

- Làm gì có chuyện đó. Cậu này nhiều chuyện thật.

Tâm không nói gì, yên lặng hít vài hơi thuốc lá đen, mùi thật nặng của thuốc Cẩm-thùy (một huyện của Thanh-hóa). Đột ngột Tân kéo ghế lại sát giường tôi:

- Em có chuyện này muốn kể với anh, nhưng anh phải thề không cho ai biết kia đấy.

- Nếu quá bí mật thì thôi đừng kể. Mình hay trống miệng lắm. Giấu cái gì trong bụng là y như người muốn đẻ vậy.

Vẻ quan trọng, Tân cầu khẩn:

- Anh là nhà báo, có học, đọc nhiều, tâm lý, lại là người Hà-nội, anh nghe em kể đi, chuyện của riêng em chứ đâu có là bí mật quốc gia. Em muốn được anh chỉ bảo cho. Các anh ở báo Nhân dân, Cứu quốc, Tiền phong… hôm họp ở bộ nông nghiệp nói với em rằng anh là “chính ủy” của họ. Hễ ai có gì buồn hay khó khăn, nghe anh phân tích là yêu đời lại ngay. Anh giúp em đi.

Nhìn đôi mắt van lơn của Tân, tôi phì cười:

- Thì ra vậy mà cậu nằn nì bằng được Ban thi đua của Bộ để mời tôi về đây.

Tân cười như xin lỗi:

- Công tư lưỡng lợi anh ạ. Nhiều lúc em muốn điên cái đầu lên, anh biết không? Có lúc em nghĩ đến cả giết người hay tự tử nữa kia đấy.

- Chà, chà. Lâm ly, bi đát nhỉ. Cứ như là Othenlo lên cơn ghen ấy. Có cà phê không?

- Có chứ. Arabica của nông trường Đồng-giao đấy. Thằng bạn cùng khóa với em làm kỹ thuật ở đó. Anh muốn cả tạ cũng được. Xã hội nào chì cũng “thợ may ăn bớt vải, thợ mã ăn bớt hồ”.

Tôi cười:

- Các cụ mình giỏi thật. Nói câu nào trúng phóc câu ấy. Có lẽ vì thế mà các cụ bị “cách mạng”.

Trong khi Tân pha cà-phê, tôi hỏi:

- Nói thật nhé, mới liếc qua cả tổ chức lẫn lều trại, mình thấy trại này của cậu hoang sơ quá thế mà sao lại được chọn là điển hình hả?

Tân thích trí cười sằng sặc:

- Anh tinh thật. Các anh bạn anh bảo anh giả ngây giả ngọng vậy thôi chứ con ruồi bay qua cũng biết đực cái.

- Nghe cánh nhà báo thì bán thóc giống và… lợn giống đi mà ăn. Có đàn bò đi qua thì mình biết con nào đực, con nào cái. Thôi, thành thật khai đi, không phải để viết báo đâu, mình tò mò thôi, có thế mới mách nước chuyện riêng của cậu.

- Vâng. Bọn em một mặt làm báo cáo cho kêu, một mặt “cung cấp lợn giống” theo giá “lợn chết” cho các vị có quyền từ tỉnh đến bộ.

- Giá “lợn chết” là thế nào?

- Thí dụ con lợn giống 5 kí-lô bán cung cấp là 15 đồng. Nhưng bán cho vợ con các cụ ấy – về nuôi hoặc bán lại lấy lời – thì hạ từ 5 kí-lô thành 3 kí-lô và coi như vận chuyển bị chết hoặc chuồng chật mà chết, thế là còn bán có năm hào một con thôi. Như vậy tránh tiếng tham ô, hối lộ.

- Thế còn các vị ở bộ họ cũng nuôi à?

- Số nuôi lợn cũng có, nhưng ít lắm. Họ bán lại cho mấy người Trung quốc ở phố Hàng Buồm, nên mới có lợn quay “bán chui” chứ! Những 3 đồng rưỡi một kí-lô móc hàm.


Tôi ngồi im, nhìn những giọt cà-phê sánh lại chảy giọt từ cái phin nhôm xuống chiếc ly thủy tinh. Một nỗi căm phẫn bùng lên. Tôi muốn chửi thật to cái lũ nhà báo, giáo sư, trí thức nước ngoài đã ca ngợi, vẽ vời cho Hồ chí Minh và đảng của hắn. Họ chẳng biết một tý gì cái “thực” của miền Bắc Việt Nam trong tay Hồ chí Minh. Tôi nhớ đến một anh bạn thân, từng được cử đi làm chuyên gia ở châu Phi trở về, đã tâm sự “chế độ Hồ chí Minh sẽ đổ vì nền kinh tế không tưởng của nó”. Câu “an ủi” đó làm tôi dịu lại. Chợt nhớ đến câu chuyện lạ kỳ nhất thế giới về kinh tế, đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam, vừa mới năm ngoái thôi. Đó là nông trường trà ở Sa-pa (Hoàng-liên-sơn), với hơn hai trăm cán bộ, công nhân viên, với hàng trăm mẫu tây diện tích, đã được nhận lẳng hoa của chú tịch Tôn đức Thắng về thành tích sản xuất. Thực tế, cả năm họ chỉ làm ra có “năm (5) kí-lô trà” và đã dùng để biếu: Tôn đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm văn Đồng và Hoàng quốc Việt, mỗi người vừa đúng “một (1) kí-lô”. Chuyên nay phải ỉm đi. Thật là như đùa.


Cà-phê thơm thật là thơm nhưng uống với đường màu cánh gián Cu-ba thì thật là phí, nó chua ngoét. Tôi nhớ cà-phê bà Sính ở đường Cột-cờ và cà-phê Hói ở đầu Bà Triệu (Hà-nội).


Tôi nhìn Tân, động viên:

- Nào, kể chuyện riêng của cậu đi.

Tân e hèm hai ba lần, cứ như con cắc kè trước lúc tắc lưỡi, mới nói được:

- Em kể chẳng đầu chẳng đuôi lại tóm tắt cho anh còn đi ngủ, anh bỏ lỗi cho em nhé.

Tôi cười:

- Không sao. Cứ nói theo ý nghĩ của cậu. Nói đến sáng cũng được.

Muỗi nhiều quá, tôi mắc màn, và hai chúng tôi ngồi trong màn nói chuyện.

Tân bắt đầu:

- Cái cô nấu cơm cho anh ăn chiều nay tên là Mai. Lưu Nghiêm Hoàng Mai. Cô ấy là người Hà-nội đấy. Xưa kia gia đình có cửa hàng đại lý bán và sửa chữa radio ở gần Chợ Mơ. Năm 1960 bị qui là tư sản mại bản, bị tịch thu nhà cửa. Ban cải tạo cho hai điều kiện, hoặc ông bố cô ấy phải đi cải tạo tập trung hoặc cả gia đình phải đi kinh tế mới ở miền núi. Và gia đình cô Mai đã chọn điều kiện hai: Cả nhà vào lập nghiệp ở huyện Thạch-thành (Thanh-hóa) này. Cả cơ nghiệp chỉ có ít áo quần, chăn màn, nồi niêu với hai trăm đồng vốn sau khi đổi tiền. Số tiền dư thừa bị ngân hàng quản lý không được phép chi tiêu, và sau khi trừ nợ thuế – tính từ 1945 – thì chẳng những không còn đồng nào ở ngân hàng mà còn nợ nhà nước hàng ngàn đồng tiền thuế. May làm sao, gia đình sau khi về Thạch-thành đem theo được một chục trứng gà Rhodes Island và một chục trứng gà Sussex. Cụ Phác, bố cô Mai là một người đa tài và cần cù. Ông tự làm lấy lều để ở rồi khai hoang, chăn nuôi. Cô Mai lúc ấy mới lên mười tuổi đầu cũng phải cuốc đất với bố. Cả cô chị, hơn cô Mai hai tuổi, cũng thế; cũng tên là Mai nhưng là Bạch Mai. Còn bà mẹ cô Mai khi đó đang có mang đứa út. Bà bị xẩy thai vì buồn và vất vả, rồi ốm quặt quẹo luôn luôn. Và, cứ trông hai đứa em trai, một lên bốn, một lên ba cũng đủ mệt rồi. Cô Bạch Mai đến năm 1964, theo người ta lên rừng cắt lá bán dịp Tết bị hổ vồ chết. Cụ Phác thì lao lực, lại bị sốt rét ác tính nên chết từ năm 1963. Trước khi chết cụ chỉ căn dặn phải cố gắng cải tạo để được thay đổi thành phần và hai cô chị phải thề sẽ hy sinh cho hai đứa em trai, sau khi được thoát khỏi thành phần tư sản mại bản, thì được ăn học đến nơi đến chốn. Năm sau nữa, cô Bạch Mai bị hổ vồ chết, thành ra cả gia đình bốn miệng ăn chỉ nhờ vào cô Hoàng Mai là lao động chính mới tròn 15 tuổi. Thành phần như vậy, lại neo đơn về lao động nên gia đình cô Mai không được vào hợp tác xã nông nghiệp địa phương, vẫn làm ăn cá thể và ở tận rẻo đất xa làng mạc. Cũng may gây được hai loại gà giống Rhodes Island và Sussex do mẹ và hai em trai nhỏ chăm sóc nên đỡ phần nào. Cô Mai tuy học dở dang cấp hai phổ thông, nhưng được cụ Phác kèm cặp thêm, và với địa phương là loại khá về văn hóa nên cô ấy tích cực tham gia dạy học ban đêm cho người lớn, phải đi đêm hôm hàng cây số đường rừng để vào làng dạy học. Trời phù hộ hay sao mà cô ấy chẳng bệnh tật đau yếu gì, thật là khỏe như lực điền, gánh gần 60 kí lô thóc đi đường xa cứ phăm phăm. Đảng ủy và ủy ban xã dần dần hay họp hành chè chén cả khi đón cấp trên cũng như khi hiếu hỷ và mẹ con cô Mai được gọi làm đầu bếp vì là người Hà-nội. Thế rồi lãnh đạo huyện về đây ăn ngon miệng nên tuyển cô ấy về cho vào làm hợp đồng của trại lợn giống này, khi ấy còn do huyện quản lý. Đây là tổ nặng nhọc nhất vì phải nấu và cả kiếm thức ăn cho cả đàn lợn hàng trăm con, chưa kể còn phải nấu nướng cỗ bàn mỗi khi đảng ủy hoặc ủy ban huyện có khách, đã thế lương lại thấp hơn hồi lao động cá thể. Nhưng cô Mai chấp nhận, hy vọng nếu vào được biên chế tức là thành phần công nhân thì có thể thay đổi thành phần giai cấp xã hội, nhờ đó hai em trai khỏi bị xếp là công dân loại 13, là loại lý lịch đen. Em và cô ấy rất quen nhau ở đây. Tuy bận đầu tắt mặt tối, nhưng cô ấy rất hiếu học. Em đã kèm cho cô ấy học và đã đậu hết phổ thông cấp hai của chương trình bổ túc văn hóa. Và, cũng do sự động viên của cô ấy mà em học thi xong cấp 3 phổ thông, học hàm thụ đại học nông lâm. Em yêu cô ấy thực lòng và em thấy cô ấy cũng có nhiều cảm tình với em, tuy không có gì biểu lộ rõ ràng. Cô ấy kín đáo, hầu như chẳng thấy đùa vui bao giờ. Em báo cáo với tổ chức việc tìm hiểu thì bị mụ Cú, lúc ấy vừa là bí thư chi bộ đảng, vừa là trại trưởng ngăn cản. Mụ ta nêu lý do là tất cả thanh niên trong thời chiến đã làm đơn “3 khoan” (tức là chưa yêu thì khoan yêu; yêu rồi thì khoan cưới, cưới rồi thì khoan sinh con) thì phải chấp hành, không những em là cán bộ, là cảm tình đảng đã đành, mà ngay cô Mai cũng vậy. Mụ còn bảo cho dù không có chính sách “3 khoan” của đảng thì đường lối giai cấp cũng không cho phép mụ ấy để em lấy cô Mai, vì cô ấy là thành phần xã hội xấu, còn đang phải cải tạo trong lao động. Em nói rằng cô ấy đã lao động tư 12 tuổi đến nay, vả chăng cô ấy còn là “công nhân” hợp đồng của trại. Mụ đập bàn quát: “Công nhân gì nó, cho dù có lao động đến hết đời nó đến đời con nó, nếu như có đứa đàn ông nào ngu xuẩn đâm đầu vào lấy nó làm vợ.”


Nghe đến đó, tôi không nén được:

- Mụ ấy nói vậy sao?

Tân run giọng vì phẩn uất:

- Em thề là nhớ không sai một chữ. Mụ còn hăm dọa là nếu em còn nuôi ý nghĩ lấy cô Mai làm vợ thì mụ sẽ đề nghị tổ chức cho em chuyển công tác đi nơi khác hoặc sẽ cho cô Mai vào thanh niên xung phong đi đắp đường ở Trường-sơn.

Xa xa, chợt có tiếng cú vọng vào. Tôi tưởng như hồn của mụ Cú, bí thư đảng, đêm nhập vào thân chim để kêu tiếng kêu ma quái của mụ. Cũng có thể mụ đang kêu gọi hồn ông Hồ chí Minh về soi sáng mụ hơn nữa về đường lối đấu tranh giai cấp.

Tân ngừng một lúc rồi trầm giọng:

- Em không sợ cho em vì dù sao bố em cũng là thương binh chống Pháp. Em lo cho số phận cô Mai. Mụ Cú sẽ trút mọi sự tàn nhẫn lên đầu cô Mai, mà như thế có nghĩa là cả lên mẹ và hai em nhỏ của cô ấy. Em đành nuốt hận và còn phải theo lệnh của mụ ta viết bản tự kiểm thảo với lời hứa trên giấy trắng mực đen là không bao giờ được có quan hệ “luyến ái vô tổ chức” với cô Mai.

Tôi cắt ngang:

- Cô Mai có biết chuyện này không?

Tân do dự:

- Cũng có thể. Như em đã nói, cô ấy là loại sống nội tâm và vị tha. Cô ấy rất ít nói lúc nào cũng khép kín mình. Nhưng vẫn giữ quan hệ bình thường với em, tuy có lúc em cảm thấy như cô ấy muốn tránh mặt.

- Thí dụ?

- Chẳng hạn cô ấy mượn các sách giáo khoa cấp ba của em để tự học mà không chịu cho em kèm học như trước. Có một điều…

- Một điều làm sao?

- Em thấy mụ Cú căm thù lắm.

- Quan điểm giai cấp cực đoan chăng?

- Không phải. Mụ Cú thì biết gì về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Mụ ấy là người dốt nhất thế giới, đó là con vẹt anh ạ. Chính chồng mụ, trước khi lấy mụ, là thành phần tiểu tư sản: một giáo viên chuyển sang làm công tác thông tin của huyện. Mụ căm thù cô Mai vì đố kỵ nhỏ nhen, vì cô Mai trẻ, đẹp, giỏi và nết na hơn mụ. Đây là cốt lõi của vấn đề. Anh không biết chứ, mụ ta là một dâm phụ, đại dâm phụ.

Tôi phì cười:

- Mụ ấy phải lòng cậu rồi chứ gì?

Tân bật cười theo:

- Mụ không thích mẫu người như em mà thích thằng Cam lái xe và thằng Tôn làm tiếp liệu.

Hai nhân vật đó chợt hiện lên trước mắt tôi. Cam to cao, da mai mái, tóc rễ tre, có cặp mội dày như hai múi bưởi gắn vào mồm, lúc nào cũng ươn ướt, hao hao giống môi Phạm văn Đồng. Còn Tôn, nếu đeo cặp kính trắng và cái đầu lúc lắc, tóc dài chút nữa và rũ rượi ra thì đúng là Xuân Diệu. Tôi nhìn Tân hỏi lại:

- Có thật thế không?

Tân tròn mắt như ngạc nhiên:

- Chính em thấy tận mắt bọn chúng bay bạ với nhau tay ba! Lúc đầu em không tin là sự thật mà tưởng như nằm mơ. Phải đến lúc bọn chúng đập nhau đôm đốp và cười cùng cực em mới tin là sự thật.

- Ngoài ra cậu liệu có ai biết chuyện này không?

- Em không biết. Ngay như em, biết cũng chẳng dám nói. Anh là người thứ hai được em kể lại. Người thứ nhất là bố em. Em kể cho ông nghe, ông vơ ống điếu đập vào đầu em và nói: “Mày mê một tư sản mại bản mà vu cáo bí thư đảng. Tôi mày đáng bắn vỡ đầu, đáng thắt cổ trôi sông. Mày mà không đoạn tuyệt với những ý nghĩ phản động ấy thì tao sẽ đích tay bắn chết mày để khỏi mang tội với đảng và Hồ chủ tịch. Đảng bao giờ cũng đúng và đảng viên là tinh hoa vủa giai cấp công nhân. Mày nhớ cho đến chết, nghe chưa!”

Rồi Tân buồn rầu:

- Và, bố em đã chết vì đứng tim khi nghe bộ trưởng phủ thủ tướng Nguyễn Khang, ủy viên trung ương đảng, làm hại đời con gái của bạn.

Càng về khuya, trời càng lạnh. Con cú tai quái vẫn rúc liên hồi đâu đó. Tôi phủ cái chăn chiên của nhà máy dệt Nam-định lên người mà vẫn run. Tân hỏi tôi:

- Có mứt gừng ăn Tết đấy, anh ăn cho nóng người nhé.

Tôi gật đầu. Tân lục đục một lúc rồi cầm cả lọ mứt vào. Tôi nhấm một miếng, vị cay, ngọt, âm ấm. Miếng mứt khô và cứng vừa đủ. Tôi hỏi:

- Mứt thương nghiệp tỉnh đây hay ở quê cậu mà khá thế. Y như mứt Hà-nội trước 1954.

Tân nhấm nháp, gật gù có vẻ tự hào:

- Bà mẹ cô Mai nấu lấy đấy. Thì đã bảo dân Hà-nội chính hiệu mà anh. Đủ cả “công, dung, ngôn, hạnh”. Như anh ở tuổi đó chắc chị ấy cũng khéo, chứ em xem bây giờ con gái cỡ bọn em toàn “3 đoảng” chứ chẳng “3 đảm” chút nào (tức là đảm đang việc nhà; đảm đang việc nước; đảm đang việc xã hội). Kén vợ khó lắm anh ạ.

- Cũng chẳng trách họ được, vì những thứ “công, dung, ngôn, hạnh” bị coi là tính cách của giai cấp bóc lột, của khuôn mẫu cho người phụ nữ trong xã hội coi “đàn bà là đồ chơi, tôi mọi” nên bị đả phá.

Tân cười hiền lành:

- Thú thật với anh, em nghĩ “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ chính là vật liệu dựng nên lầu đài hạnh phúc gia đình đấy ạ. Đàn bà kiểu mụ Cú hay mụ Tơ thì có chết hết đàn bà em cũng không màng tới họ, thà lấy con bò cái làm vợ còn hơn.

Tôi bật cười:

- May mà ông cụ nhà cậu chết rồi, chứ còn sống chắc ông ấy thắt cổ cậu đem trôi sông rồi đấy.

- Tội nghiệp bố em, ông ấy cuồng tín đến mù lòa.

Tôi gạt đi:

- Thôi, kể tiếp chuyện cô Mai đi. Đừng nói đến người đã khuất nữa mà mang tội.

Tân e hèm:

- Chắc anh cũng mệt vì đạp chiếc xe Liên-xô cả ngày rồi. Ngủ đi cho khỏe. Mai em đưa anh đến chỗ cô Mai để thấy “người thật việc thật”, anh sẽ sửng sốt, không khéo chết đứng như Từ Hải của cụ Nguyễn Du.


Tôi chập chờn đi vào giấc ngủ với một linh cảm rằng cái cô Hoàng Mai này có liên quan gì đó đến cô gái mà tôi gặp trên chuyến tàu thủy đi Thái-bình vào dịp Tết mấy năm về trước. Tôi mơ thấy một gương mặt buồn, nặng nề chịu đựng; thấy tiếng gà cục tác, thấy hoa bưởi rơi trắng sân, mùi thơm ngan ngát; mùi sắn nướng thơm làm sao, bùi bùi, nóng nóng và một vị ngọt thoang thoảng trên đầu lưỡi. Tất cả đều hư ảo, không rõ ràng, chẳng hiện hẳn ra mà cũng chẳng chịu biến đi. Thế rồi tôi tỉnh dậy. Nhiều năm bị cải tạo đã thành phản xạ có định hình. Tôi vừa mở mắt thì cái loa công cộng của trại lợn giống cũng ồm ồm bài nhạc tập thể dục buổi sáng. Trời lạnh buốt nhưng tôi cũng nhảy ra khỏi giường làm vài động tác thể dục. Tân vừa đi đâu về, nhấm nháy bảo tôi mặc quần áo đi ngay.


Qua một nương sắn, trước mắt tôi là căn nhà lá xinh xắn. Chưa tới gần đã nghe một giọng đàn ông khàn khàn chửi:

- Tiên sư cha thằng Hồ chí Minh, mày đánh lừa tao! Tiên sư cha thằng bác sỹ cưa hết cả chân, tay của tao! Tao sống thì ngày ngày chửi mày, tao chết thì kiện mày tận ba tòa Diêm-vương.

Tôi chưa hết ngạc nhiên tột độ thì Tân khẽ nói:

- Chồng cô Mai đấy. Ngày nào cũng chửi như thế đủ cả ba buổi: sáng, chiều và tối.

Đi gần tới cửa, Tân lên tiếng:

- Anh Thìn ơi, có khách ở Hà-nội vào chơi này. Chị Mai có nhà không?

Một giọng tỉnh táo:

- Tân đấy hả? Mày về hồi nào, vào đây, mời cả khách vào đây. Cô Mai ra chuồng rồi, nghe nói đêm qua có sương muối, lợn bị chết đấy.

Tôi theo Tân vào nhà. Trên chiếc giường đôi, nằm sát phía ngoài, một người đàn ông có bộ mặt xanh xao nhưng ưa nhìn đang nằm đắp chăn đến tận vai. Dưới gậm giường một cái chậu sành than hồng tỏa ấm cả căn phòng. Mùi vỏ bưởi cháy thơm bốc lên. Tân giới thiệu:

- Đây là anh Thìn. Thương binh loại…

- Loại… “3 không”: không tay, không chân, không trợ cấp thương tật.

- Còn đây là nhà báo đi thực tế về trại ta, lại thăm anh chị…

Mới nghe đến thế, anh thương binh Thìn nhăn mặt mũi như vừa ngửi phải cái gì hôi thối lắm:

- Nhà báo hả? Tiên sư cái thằng Tân này, mày dẫn nó đến đây làm gì? Để “thực tế” cái què, cụt tàn phế của tao hả? Để mô tả cái con c… tao hả? Để phịa chuyện đánh lừa các thanh niên chết hoặc tật nguyền cho chúng nó phè phỡn hả!!!

Cái chăn động đậy, một cánh tay khẳng khiu thò ra khỏi chăn, chỉ ra phía cửa:

- Cút, cút ngay cái thằng làm báo thối tha kia. Thằng bồi bút. Thằng tô hồng chế độ! Thằng bôi đen sự thật! Thằng con hoang của chế độ Hồ chí Minh!

Tôi đứng im chịu trận mắng như trút nước, không tự ái mà chỉ xót xa hổ thẹn. Tân ngồi xuống mép giường, giọng vỗ về:

- Khoan nào anh Thìn, nghe em nói đi. Anh ấy không phải loại làm báo cơ hội bẩn thỉu như anh vẫn kể cho em nghe đâu. Anh ấy cũng như người anh tinh thần của em ấy mà. Cho nên em mới dám đưa lại thăm anh, nói chuyện cho anh đỡ buồn.

Nét mặt nhợt nhạt, hai cánh mũi phập phồng vì mệt, Thìn nằm im, một lúc sau, giọng bình tĩnh hơn:

- Anh ngồi đi.


Ghế là một khúc gỗ cong queo với cái nệm là lá ngô bện đan thành các hình kỷ hà học. Tôi ngồi xuống liếc nhìn căn phòng. Ngăn nắp và toát lên một vẻ diêm dúa trong tay một người con gái kỹ tính. Một ống tre làm lọ hoa, chồi lên một giỏ phong lan “hài vệ nữ”; mấy gốc sắn đã chặt củ làm thành hình các con thú được quang dầu bóng nhoáng để trên chiếc tủ con; ba chậu hoa “pensée” làm bằng mo cau ở kế cửa sổ; có rèm làm bằng màu giấy lấy từ họa báo của Trung cộng, se lại như chiếc điếu thuốc lá nhỏ và luồn giây dù để nối lại nhau. Nhìn vào đâu cũng có dấu tích bàn tay khéo léo và con mắt thích cái đẹp của con gái Hà-nội.


Thấy tôi quan sát tỉ mỉ, anh Thìn lên tiếng:

- Tác phẩm của cô Mai đấy, anh thấy thế nào?

Tôi mỉm cười:

- Khéo lắm, chắc cũng có ý kiến đóng góp của anh chứ?

Thìn cười buồn:

- Tôi ấy à. Tôi là thằng khốn nạn, làm được cái quái gì khi cụt cả hai chân và một tay. Còn lại một tay thì là tay trái. Còn đầu óc, ngu như là bò đực, anh biết không? Tôi chỉ nằm đây cho cô ấy hầu, cho cô ấy nuôi như nuôi… lợn con, để rồi lúc đầu óc đau buốt thì chửi. Tôi chửi thằng Hồ chí Minh lường gạt nhân dân, cả Việt Nam, cả thế giới. Tôi chửi nhân dân Việt Nam ngu dốt, thích làm nô lệ, hết cho Tây lại cho Nga, cho Tàu, cho Hồ chí Minh. Tôi chửi tôi ngu đã nghe lời Hồ chí Minh nên mới ra nông nỗi này. Tôi chửi bố cô Mai ngu, không di cư vào Nam mà ở lại để bản thân chết như con chó ghẻ, còn làm khổ vợ, khổ con. Tôi chửi cô Mai ngu, đã nghe lời Hồ chí Minh và con Cú để cõng tôi từ trại thương binh về làm chồng, lại còn làm đơn tình nguyện hiến hết mọi trợ cấp thương binh của tôi để ủng hộ miền Nam đánh Mỹ-Ngụy. Tôi chửi mẹ cô Mai đã đẻ ra hai thằn em trai của cô ấy để bây giờ cô ấy hy sinh cho chúng nó được đổi thành phần giai cấp xã hội bằng cách lấy tôi, lợi dụng cái tàn tật của tôi, giả vờ làm vợ của tôi, giả vờ tiến bộ. Tôi ngu nhưng tôi còn hơn bọn các anh vì tôi dám chửi thằng Hồ chí Minh. Anh có dám nghe tôi chửi không? Này thì tổ sư cha thằng Hồ chí Minh, thằng Lê Duẩn, thằng Trường Chinh, thằng đại sứ Nga, thằng đại sứ Trung cộng!!!

Nghe Thìn nói, tôi thấy lòng sôi sục phẫn nộ:

- Anh Thìn, nghe tôi nói này. Anh nói đúng, anh là thằng khốn nạn, là đồ ngu như bò. Vì thế mới có cái hiện tại của anh. Tất nhiên không hoàn toàn ở anh, còn có nguyên nhân khác nữa. Đừng nằm đó mà làm anh hùng với cô Mai, ân nhân của anh. Anh càng chừi, người ta càng cho anh là thằng điên, chẳng ai thèm nghe mà cũng chẳng ai thèm để ý đến cái thứ như anh đâu. Anh làm khổ anh chưa đủ hay sao mà còn làm khổ, sỉ nhục người con gái yếu đuối như cô Mai.

Tân đứng dậy can:

- Đừng anh, đừng…

Giọng Thìn tỉnh lại:

- Để yên anh ấy chửi tao, Tân. Anh ấy nói nghe được đấy. Anh ấy bênh vực cô Mai tuy chưa quen biết, được đấy. Tao tin anh ấy.

Rồi nhìn tôi, Thìn tiếp:

- Từ ngày tôi về đây chưa đứa nào dám chửi tôi, cũng như chưa đứa nào dám bênh cô Mai trước mặt tôi. Anh chưa mất chất người như bọn chúng nó. Tôi nằm nhiều năm mới có cái cách nhìn người như thế đấy.

Tự nhiên tôi thấy hụt hẫng, thấy hối hận trước thái độ của Thìn. Tôi lại sát giường, cầm bàn tay xương xẩu, giá lạnh của Thìn. Chúng tôi nhìn nhau và tự nhiên có cái đồng cảm như người cùng trong cuộc. Đôi mắt Thìn tối sầm, những giọt nước mắt ràn rụa. Thìn khóc thút thít như con nít. Tôi vốn khó chịu khi nghe ai khóc, có lẽ vì cứ hay bị nghe vợ khóc khi hết tiền mua gạo, hết tiền mua các thứ tem phiếu tiêu chuẩn làm quá hạn phải hủy đi hoặc nghe con bé lớn cứ i ỉ khóc lúc nửa đêm, lúc mà bụng đã ngót, trời thì nóng hầm hập, muỗi như trấu mà vẫn phải ngồi dịch sách kiếm thêm bằng tay trái vẫn chẳng đủ tiêu. Nó đòi quạt cho mát vì rôm xẩy đầy người. Thế mà giờ đây nhìn nước mắt của một người đàn ông khóc vì bất lực, tôi thấy xúc động, thấy muốn gào thật to cho hả. Khi cơn xúc động đã qua, cả ba chúng tôi kẻ nằm, người ngồi đều yên lặng như tượng gỗ. Tôi chợt thấy một mùi khăn khẳn, hình như từ chỗ nằm của Thìn. Chắc là máu mủ từ những chỗ loét nơi thương tật. Thì ra vậy nên cô Mai mới bày cách đốt cùi vỏ bưởi cho át mùi hôi đó. Tân là người phá bầu không khí đầu tiên:

- Chị Mai làm mứt Tết ngon lắm, anh ăn thử mấy thứ mứt xem nhé, phải không anh Thìn?

Thìn ừ hử, chỉ tay ra chiếc tủ con:

- Mày giúp tao lấy mứt và có trà tươi nóng đấy mời khách hộ tao.

Mứt chanh, mứt đu đủ, mứt na, mứt gừng, mứt khoai, mứt đậu nành, tôi nếm mỗi thứ một miếng, không ngờ ở xó rừng này lại có đủ thứ mứt ngon như vậy. Ly chè xanh khói lên mờ mờ, uống chiêu mứt sao mà hợp khẩu thế. Đúng ra căn nhà lá ngăn nắp này phủ lên sự thể hiện của “túp lều tranh, hai trái tim vàng”, ấy thế mà lại chỉ là máu mủ, nước mắt, những câu chửi ngày đêm, những thổn thức như tiếng thạch thùng tắc lưỡi, và đêm đêm phải nghe tiếng cú vọng vào!

Chợt một đứa bé chạy tới đứng ở bậu cửa:

- Chú Tân ơi, mẹ cháu bảo chú phải ra ngay chuồng lợn giống.

Tân vội đứng dậy, thì thầm với tôi:

- Thằng con mụ Cú đấy, giọng ông tường không! Anh ngồi đây nói chuyện với anh Thìn nhé, em đi một lát vậy.

Còn lại tôi và Thìn, chúng tôi nhìn nhau. Thìn dùng một tay còn lại tìm miếng vỏ bưởi. Tôi hiểu ý vội làm hộ, vứt miếng vỏ bưởi xuống chậu than, mùi vỏ bưởi cháy vừa thơm, vừa làm căn nhà ấm lại. Hai mắt Thìn lúc này dịu lại, hiền lành như mắt gà con mới mở, Thìn nhìn tôi:

- Em xin lỗi anh. Em điên đấy. Tại em yêu và thương cô Mai cũng như em thương thằng Tân và cái si tình của nó với Mai. Phần lớn trong ngày em nằm để đau đớn cho số phận, buốt nhói từ các vết thương chẳng bao giờ lành, cho nên em hay suy diễn. Bố mẹ đẻ em là dân Nam-định, đều là liệt sỹ chống Pháp. Em còn ông chú và thằng em, nhưng họ đã quên em rồi vì sợ phải cáng đáng cái thân phận tàn tật này. Điều họ cần họ đã có rồi, đó là ghi em trong lý lịch của họ: thương binh loại đặc biệt trong đánh Mỹ.

Thìn nhăn nhó cười mỉa. Tôi nâng đầu Thìn lên cho uống hớp chè tươi. Lúc trước hẳn Thìn cũng khá đẹp trai, mũi thẳng, môi dưới tề tề đa cảm và hàm răng nhỏ, đều. Thìn nhìn tôi cảm ơn và nói tiếp:

- Em, bị thương từ 1964, ở bến phà Linh-cảm, vì xe ô-tô chở súng đạn vào chiến trường miền Nam bị nổ. Họ đưa em ra Hà-tĩnh, ở đấy mấy thằng bác sỹ chó chết đã cưa hai chân và một tay em. Một trung úy, đại đội trưởng đại đội vận tải mà bây giờ như thế này đấy anh ạ.

Đôi mắt Thìn nhìn vào khoảng không như đang sống lại trong quá khứ:

- Những ngày ở bệnh viện mê man kề bên cái chết, em luôn nằm mơ thấy một người con gái đẹp – em biết là đẹp – nhưng không sao nhìn rõ mặt. Cứ hễ lần nào em cầm tay cô ta, ở ngón út bên phải có một cái bớt xanh nhỏ bằng hạt đậu thì tự nhiên cô ấy biến mất và em tỉnh lại. Sau năm 1965, để động viên thanh niên đi bộ đội vào Nam đánh nhau, mà cũng là để giải phóng cho các bệnh viện, trại thương binh tiếp nhận bệnh nhân mới từ các chiến trường đưa ra – là sau này em mới hiểu điều đó – và cũng để bớt gánh nặng cả tiền lẫn người cho chính phủ, ông Hồ chí Minh chỉ thị cho đảng và đoàn thanh niên tổ chức cho các nữ đoàn viên thanh niên, kể cả ngoài đoàn, ở các địa phương hẻo lánh, tình nguyện lấy thương binh làm chồng và làm đơn tình nguyện trả lại mọi trợ cấp thương tật cho nhà nước, tự mình nuôi chồng. Ai chấp nhận như vậy sẽ có một số ưu đãi. Cuối năm 1966, không kể các nơi khác, ở Thanh-hóa này có hơn ba chục cô ra bệnh viện Hà-tĩnh làm đám cưới tập thể với thương binh, trong đó có cặp Mai và em.

Thìn im lặng một lúc rồi tiếp:

- Khi nghe phổ biến chủ trương trên, em chẳng vui cũng chẳng buồn. Biết mình thành quái vật em đã khóc nhiều đêm và sự đau đớn quá độ làm chai lỳ, mất hết mọi xúc động và cảm giác. Hôm đám cưới, bên nhà gái có mụ Cú vào chọn chàng rể, mụ đi khắp lượt và đã chọn em, làm xong thủ tục nhận về địa phương, mụ giắt Mai vào. Vừa thấy Mai, tự nhiên em như thấy mình sống lại, như có một sinh khí mới ập vào lồng ngực em. Tóc của Mai dài, đáng lẽ dùng cặp tóc thì Mai dùng chiếc khăn tay nhỏ buộc lại. Hai con mắt to màu hạt dẻ nhìn em rụt rè, sợ hãi. Mặt tái mét, một lúc sau mới run giọng nói:

- Chào anh. Em là Mai, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp, vì tình quân dân cá nước thiêng liêng, từ nay em là vợ của anh. Chúng ta kết đôi để làm thành một gia đình kiểu mới, trong đó vợ chồng còn là tình đồng chí, giúp nhau tiến bộ để thực hiện tốt đẹp sự nghiệp vĩ đại của đảng và bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta.

Em tròn mắt thấy những câu rất “chính trị” ở mồm một cô gái mặt non choẹt và ngây thơ như Mai, nhưng chợt nghe từ xung quanh, các cô khác cũng nói đúng câu nói như vậy với các ông chồng vừa biết mặt. Thú thật với anh, nhìn Mai em xúc động và thấy yêu cô ấy ngay từ lúc gặp mặt lần đầu ấy. Yêu điên cuồng anh ạ. Giá em đủ cả hai chân, hai tay, em sẽ chạy lại ôm cô ấy vào mình, che chở cho cô ấy. Đứng cạnh mụ Cú, Mai như nàng tiên trong chuyện cổ tích bên cạnh ác quỷ. Và, em chợt tự hỏi không biết nên cám ơn mụ Cú đã mang Mai đến cho em, vì em là thương binh tàn tật nhất mà Mai lại là cô gái trẻ và đẹp nhất, không thể có ai so sánh được chứ nói gì với hàng trăm cô gái Thanh-hóa và Nghệ-an hôm ấy; hay nên căm thù mụ ấy đã đẩy em vào sự thách đố của hạnh phúc.

Thìn ngừng lại như mệt mà cũng như nén tiếng thổn thức:

- Hôm về nhà, chính căn nhà này anh ạ. Khi đã khuya, chỉ còn hai người, em nằm ở đây và Mai ngồi ở chỗ của anh bây giờ, nét mặt vừa hốt hoảng, vừa chịu đựng. Em ngắm Mai, lòng thắt lại và chợt hỏi: “Ngón tay út bên phải của Mai có cái bớt xanh bằng hạt đậu phải không?” Vừa nghe thế, Mai giật thót người, nhìn em mồm há hốc, rồi đột nhiên chạy ra ngoài. Em sững lại, đau đớn hiểu rằng Mai nghĩ em là ma quái hiện hình. Rồi em phẫn nộ hắt chiếc khăn khỏi người cho cái lạnh của tháng chạp làm dịu lại. Thấy thế, Mai vội chạy vào, nhặt chăn lên đắp lại cho em, giọng nước mắt: “Em lạy anh, tha lỗi cho em, đừng làm thế, cả hai vợ chồng mình sẽ khổ”. Rồi cô ấy úp hai bàn tay vào mặt nức nở. Tự nhiên em tỉnh táo khác thường, bình tĩnh khác thường. Em nhìn cô ấy và… anh có thể tưởng tượng được không, ngón tay út bên phải của Mai đúng là có cái bớt màu xanh hằng hạt đậu. Em an ủi Mai. Cô ấy nín rất nhanh và lấy khăn nước nóng lau mặt cho em, nước lá bưởi thơm một cách sảng khoái. Em chợt hiểu “hạnh phúc là gì?” Em ước ao được hôn lên hai bàn tay mà các ngón khô lại, lòng bàn tay có những cục chai của lao động nặng nhọc nhiều năm, nhưng không dám. Rồi, có vẻ như một thế lực vô hình nào thúc đẩy, cô ấy nhẹ nhàng lên giường nằm cạnh em.

Nói đến đây Thìn nấc lên:

- Em khổ quá anh ạ. Có ai ngờ một thằng như em, cao một mét bảy mươi tư, nặng bảy mươi ký, có thể lùa một lúc hết tám bát cơm lèn, đang học hàm thu cơ khí năm thứ ba, được một học viên loại xuất sắc ở lớp múa Ba-lê mê như điếu đổ, đột nhiên trở thành quái vật như thế này. Lúc đầu em chửi cho số phận, nhưng rồi em hiểu ra là tại em, tội ác của em bị quả báo anh ạ. Em, đã nghe Hồ chí Minh, chuyên chở biết bao vũ khí vào Nam, làm chết và tàn tật biết bao đồng bào trong đó, có thể cũng có nhiều người như em bây giờ. Tại sao không dùng tiền của mua vũ khí, sức lực chém giết để xây dựng cái miền Bắc này? Tại sao phải giải phóng miền Nam? Nếu cần đến sự giải phóng của Hô chí Minh thì người ta đã chẳng bồng bế nhau di cư vào Nam và dân miền Nam đã ra tập kết hết ở ngoài Bắc này, phải không anh? Chẳng qua là vì quyền lợi của lũ thực dân mới Liên-xô và Trung cộng và cái chức chủ tịch cả nước Việt Nam, oai gấp hai lần làm chủ tịch nửa nước. Chỉ có vậy thôi. Cái chân lý ấy chỉ cho đến lúc thành quái vật em mới thức tỉnh, chịu một sự mặc khải sau khi nhiều lần hồn đã tới cõi chết trở về. Khi hồn lìa xác phàm thì người ta nhận thức được chân lý, nhưng quá muộn, cũng như người ta làm cho linh giác chứng nghiệm được cái sắp tới, đó là việc em mơ thấy ngón út bên phải có vết chàm của người con gái chịu nghiệp nợ em.

Giờ tôi chẳng ngạc nhiên gì vì biết Thìn có trình độ ở bậc đại học. Biết bao con người ưu tú như vậy ở cả hai miền Nam-Bắc đã trở thành nạn nhân thảm thương và mãi mãi của tham vọng cá nhân tàn bạo của Hồ chí Minh, tôi tự hỏi và thấy tái tê trong lòng. Chợt nghĩ đến những Jean Chesnaux, Burchett, Madelein Riffaud, Jane Fonda… chẳng biết nên khinh vì họ cơ hội hay nên thương vì họ mù lòa trí tuệ, rồi cả cái trò hề tòa án Bertrand Russel!

Tôi vứt một miếng vỏ bưởi và mẩu bồ kếp vào chậu than. Cho thêm vài mẩu than mới rồi đỡ cho Thìn uống nước. Tôi hỏi:

- Ngày thường Thìn cũng nằm một mình như thế này cả ngày sao? Ăn uống, đái ỉa như thế nào?

- Vâng, em nằm một mình. Mai chuẩn bị cho em đầy đủ và cho em ăn trước khi đi làm. Cô ấy phải làm gấp hai, ba người ta để nuôi em và giúp đỡ thêm cho mẹ cô ấy và hai thằng em nhỏ. Toàn là sáng kiến của cô ấy cả đấy: dưới đất em có một cái rổ để tro được che bằng cái mo cau, hễ đái, ỉa em chỉ cần dùng tay còn lại kéo dịch cái mo cau sang bên. Xong việc lại kéo vào như cũ. Cô ấy về nấu ăn, rửa ráy cho em. Cô ấy tận tình và thực lòng xót thương em. Nhưng em nhìn ở mắt cô ấy thì em biết không có tình yêu, cái tình yêu trai gái ấy mà.

- Sao cậu biết được?

- Khổ lắm, không thể cắt nghĩa và chứng minh được mà chỉ tự cảm nhận được thôi. Cô ấy chỉ tận tâm như bà phước với bệnh nhân cùi, chứ không phải “yêu” như em yêu cô ấy.

- Thế thì cô ấy yêu ai?

- Cô ấy không yêu ai, anh biết không, kể cả thằng Tân dù nó yêu cô ấy từ lúc chưa có em len vào, từ lúc cô ấy mới đến cái trại này.

- Thế sao cậu lại chửi và sỉ nhục cô ấy?

Thìn khóc thút thít:

- Tại em yêu cô ấy. Em muốn cô ấy bỏ em, chán em đi rồi đi lấy thằng Tân. Chỉ có vậy cô ấy mới ngóc đầu lên được, mới có hạnh phúc anh ạ. Em muốn hy sinh để trả cái ơn cô ấy đã lấy em, đã săn sóc, thương xót em thật sự. Nhưng… đồng thời em lại sợ mất cô ấy. Anh có thấy cái hố bên kia nương sắn không? Dấu vết bom lạc của Mỹ đấy. Lần ấy cô ấy đã ôm em lăn xuống hào, dùng cả người che chở cho em. Đó là lần đầu em sợ chết, bởi vì, lần đầu em ngửi thấy da thịt của cô ấy, thấy cái nóng của sức sống của cô ấy bọc lấy cơ thể em. Còn ngày thường, chúng em nằm cùng giường, nhưng em để cái quạt nan ở giữa hai người, như lưỡi gươm của Tiểu Nhiên khi phải nằm cùng Mỵ Cơ. Anh có biết chuyện đó không.

- Có, đó là tên dịch từ câu chuyện tình bất hủ giữa Tristan và Yseult. Cậu đọc sách nhiều nhỉ?

- Trước kia anh ạ, Còn bây giờ em thích nghĩ nhiều hơn, và thích sống tưởng tượng. Em luôn thấy mình đủ cả chân tay, em lái xe chở cả Mai, mẹ cô ấy và hai thằng em rồi vào giới tuyến để vượt vào Nam, đi thật xa cái nơi này, chỉ như thế mới có hạnh phúc. Chúng em sẽ lập nghiệp ở Đà-lạt. Anh thấy có được không? đó khí hậu tốt cho phụ nữ. Đẹp như Mai lại càng đẹp ra. Em dự định chỉ ba đứa con thôi, hai đứa đầu là trai, còn đứa con út phải là gái. Về già, em và Mai sẽ sống với con gái, chàng rể. Con gái hiếu với cha mẹ hơn, còn đàn ông thì xề xòa ít để ý như con dâu. Chẳng cần giàu có xa hoa, chỉ cần đủ ăn thôi. Bọn em làm nghề trồng hoa, làm đẹp cho đời mà. Anh đọc “Gánh hàng hoa” chưa?

Tôi gật đầu không ngăn được nước mắt, phải vờ đi ra ngoài, sợ Thìn trông thấy. Mọi người chẳng ao ước cao sang, người ta chỉ muốn sống yên bình. Nhưng, buồn thay lũ ma quái như Hồ chí Minh lại chỉ muốn ngai vàng, muốn đi vào lịch sử, muốn làm “bác”, làm “cha già” của cả dân tộc Việt Nam. Có ai thống kê được bao nhiêu hạnh phúc bị Hồ chí Minh làm tan nát, bao nhiêu cuộc tình chôn vùi trong máu và nước mắt? Tôi không muốn một Việt Nam anh hùng, tôi chỉ muốn một Việt Nam hòa bình hạnh phúc.

Tân trở lại và mời tôi lên văn phòng đảng ủy. Tôi vào chào Thìn. Nắm tay tôi, Thìn lưu luyến:

- Thế nào anh cũng phải quay lại với em, cả thằng Tân nữa, để ăn một bữa cơm Tết.

Tôi hứa hễ rảnh tý chút sẽ trở lại nói “tâm sự” với Thìn.

Tuy nhà ngói một tầng, nhưng văn phòng đảng ủy trông đẹp. Rõ ràng đây là bộ mặt để tiếp khách đến “tham quan” trại. Mụ Cú ra tận cửa đón tôi. Ngồi chưa yên chỗ thì thấy một người đàn bà đứng tuổi – trạc mụ Cú – bê cái khay có hai đĩa sôi nếp thơm phức hành phi mỡ và một đĩa thịt kho tàu. À thì ra ăn sáng. Đưa sôi và tiếp thịt cho tôi, mụ Cú miệng nói:

- Mời đồng chí dùng sáng, cây nhà lá vườn. Nếp là tăng gia tự túc của trại, thịt lợn của trại luôn.

Tôi nói đùa:

- Còn củi, lửa và nước?

- Dạ, tất cả là của đảng, của bác ạ.

Rồi mụ thành kính ngước lên trần nhà, tôi nhìn theo. Thì ra, bàn thờ “tổ quốc” trên cao chót vót, hương nến nghi ngút, cùng đĩa sôi trắng và đĩa thịt kho tàu; cùng hoa tươi cắm lọ. Tôi cũng chẳng lạ lắm, vì đây là “lệ mới” bất thành văn, ở đâu cũng thế, cho dù chưa chắc họ đã tin yêu gì Hồ. Hệt như mấy anh sư hổ mang, thầy chùa “quốc doanh”, nhang khói trên bàn thờ Phật nhưng chúng vẫn làm chuyện bậy bạ ngay trong điện thờ. Trung ương đảng đang xây lăng cho Hồ kia mà.

Mụ quay bảo Tân và người đàn bà kia:

- Thằng Tân qua bên anh Cam xem cho xe đi sửa chữa ra sao để còn dùng đi chúc Tết chứ. Còn Lài, mày xem lại báo cáo tổng kết để Tết ra tao cho mở “đại hội công nhân viên chức” của trại.

Phó giám đốc Tân bỏ đi. Về sau, tôi được biết Lài là thư ký công đoàn. Đó là thực tế “đảng lãnh đạo toàn diện” đấy! Kiểu “lãnh đạo” của chủ với đày tớ. Tôi nhớ lại những lần họp “quốc hội” mới, Hồ chí Minh cười hề hề với các đại biểu:

- Bác giới thiệu chú Đồng làm thủ tướng, các cô, các chú đồng ý thì cho tràng pháo tay.

Tất nhiên, cả hội trường đứng dậy thi đua vỗ tay xem của ai kêu to hơn, trong cái không khí đó, tiếng của chủ tịch Hà-nội Trần duy Hưng, gào như muốn bể phổi: “Hồ chủ tịch muôn năm!”, y hệt “Heil Hitler!”.

Ăn sáng xong, mụ Cú đích thân đưa tôi đi tham quan trại, cho đến bữa cơm trưa, rồi lại đi cho đến bữa cơm chiều. Hai bữa ăn vẫn là món ăn do bàn tay Hà-nội nấu. Tôi no mà vẫn cứ muốn ăn, để được có thêm cái hơi “Hà-nội”.

Tối đến, Tân đi họp. Tôi vội sang bên nhà Thìn, thực lòng vừa thăm Thìn nhưng có lẽ lý do chính yếu là muốn biết mặt Hoàng Mai.

Tôi đẩy cửa vào, chỉ có tiếng ngáy của Thìn. Chẳng có ai. Con mèo tam thể ở đâu chạy lại, cong đuôi dụi đầu vào chân tôi, rò rò vẻ hài lòng. Có tiếng động phía sau, tôi quay lại. Tôi biết ngay đó là Hoàng Mai. Chiếc khăn màu cỏ úa buộc trên đầu vẫn để lọt những sợi tóc mai mượt mà, làm nổi bật khuôn mặt bầu bầu, trắng hồng, lại càng hồng thêm có thể vì cái lạnh của tháng chạp mà cũng có thể vì thẹn. Môi đẹp như tranh tố nữ của bạn tôi, họa sỹ Trần đông Lương – vua tranh lụa. Cái áo cánh màu vỏ sim kín cổ làm cho cổ thêm cao và trắng. Tôi chợt tự hỏi: “Phải chăng đây là giáng kiều, của Tú Uyên, xuống trần lại”.

Mai khẽ chào:

- Em chào anh. Mời anh ngồi ạ.

Giọng nói vừa cất lên, tôi đã như thấy trước mắt cái ngày giáp Tết Đinh Mùi. Sông Hồng hôm đó trắng nõn sương mù, không có bến, có bờ, có đầu, có cuối.

Mai pha trà, lấy mứt, và ngồi vào mép giường của Thìn. Đôi tay nhẹ nhàng kéo lại chăn và khẽ sờ lên trán Thìn.

- Cả trưa, chiều nay anh ấy gào khóc. Y tá phải tiêm thuốc và cho anh ấy uống thuốc ngủ ạ. Em đang bận dọn dẹp không biết anh tới chơi, thất lễ quá.

Nghe Mai nói, tôi thấy thú vị vì nghĩ chính sách của Hồ chí Minh không thể “cải tạo” được cái chất Hà-nội, đó là truyền thống mà.

Tôi nhìn Mai:

- Chúng ta đã cùng đi một chuyến tàu thủy dịp gần Tết năm 1967, có đúng không cô Mai?

Mai gật đầu, rồi để giấu vẻ lung túng, chế thêm trà cho tôi:

- Hôm tôi tới đây chắc cô nhận ra phải không? Còn tôi chỉ nhận ra cô ở giọng nói.

Im một lúc, Mai nói:

- Dạo ấy hai chúng em vừa cưới xong. Anh Thìn em không thể đi được, nên em về quê anh ấy lễ mộ ba, mẹ chồng em, nhưng… nhưng… bị đưa đi đâu hết cả rồi anh ạ. Nghĩa trang bị phá bỏ làm công trường. Em đành đứng ở đó mà khẩn vọng vậy.

Rồi ngập ngừng, Mai tiếp:

- Trước lúc anh xuống, hành khách biết cả vì ở trên tàu người ta phổ biến là có nhà báo đi thực tế, mọi người cố giữ gìn rồi sau thì lại cứ việc thoải mái.

- Thế sao cô nhận ra tôi?

- Cái anh thuyền viên râu quai nón ấy báo động cho khách rồi bấm đèn pin nên mọi người biết mặt anh hết.

Tôi phì cười:

- Đâu cũng thế cô Mai ạ. Họ toàn bịp bợm, như trại này chẳng hạn, thế này mà cũng điển hình và xuất sắc.

Mai sợ hãi:

- Đừng anh ạ. Tai vách mạch rừng, có thế nào thì chỉ khổ em.

Tôi xin lỗi rồi dần dần lái vào chuyện của Mai. Có điều lạ là Mai có vẻ tin tôi ngay:

- … Vâng, em biết anh Thìn đau khổ, nhưng em chẳng biết phải như thế nào. Em dần dần thương anh ấy thực lòng, và thấy anh ấy chửi em cũng đúng. Bà Cú bảo em muốn thay đổi thành phần thì phải “đầu hàng giai cấp công nhân cả hành động và tư tưởng”, phải vì sự nghiệp của “đảng và bác Hồ” mà phấn đấu không do dự. “Đảng và bác Hồ” muốn em đền ơn đáp nghĩa những người đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp của “đảng và bác”. Và, em vâng lời, hoàn toàn tự nguyện.

Tôi bực mình:

- Có thật “tự nguyện” không? Và, tôi kể câu chuyện vui của Bernard Shaw về tự nguyện và biện pháp.

Mai tròn mắt nghe tôi kể. Tội nghiệp, trong Mai háo hức được học hành hiểu biết.

Tôi thấy một sự đồng cảm giữa chúng tôi, những người Hà-nội với nhau. Mai do dự, rồi nhắc lại thời thơ ấu trước 1954. Cả hai, Bạch Mai và Hoàng Mai đều học ở Rosaire, trường của các Mẹ áo trắng. Tôi nói cho Mai biết, nay trường đó – ở phố Hàng Chuối, Hà-nội – bị lấy làm văn phòng bộ tài chính. Rồi Mai lại kể là hai chị em cũng có ý nghĩ sau này sẽ đi tu như các Mẹ – mặc dù gia đình Mai theo đạo Phật. Mai hào hứng kể về Mẹ bề trên, đẹp, hiền dịu và thông thái, hình như thuộc gia đình quý tộc ở Pháp. Và, Mai thích thú:

- Từ đó cho đến nay, lúc nào em cũng cầu Trời, Phật phù hộ cho gia đình em, bây giờ thì thêm cả anh Thìn. Rồi em lại cầu xin đức Mẹ Maria cho gia đình em sự an lành. Em vẫn kín đáo đọc kinh, nhất là khi đi thăm mộ ba em và chị Bạch Mai em. Xưa đi học bao giờ em cũng được điểm cao về catéchisme.

Khi lái sang chuyện của Tân, tôi khéo thăm dò quan hệ của Mai – Tân ra sao, Mai nói:

- Em rất kính trọng anh Tân, nhưng chưa bao giờ em yêu anh ấy. Em nghĩ bọn em không thể hợp nhau.

- Thế còn Thìn?

- Chúng em là vợ chồng mà, và sẽ gắn bó với nhau trong tay Chúa.

Tôi thán phục:

- Mai sống rất nghị lực bởi Mai có đức tin

Mai nhìn tôi:

- Anh có đức tin không?

Tôi gật đầu. Mai thoáng ửng hồng đôi má:

- Ngay lần đầu nhìn thấy anh, hôm đó là ngày cúng ông Táo về Trời, em nghĩ ngay anh là người tốt, kính trọng anh và em linh cảm sẽ có ngày gặp lại anh. Em kể cho chị Bạch Mai nghe, chị ấy đang ở trên kia, trong nước Chúa. Em luôn tâm sự với chị ấy.

Tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác, tái tê.

Không tiện ngồi lâu vì Thìn ngủ, tôi ra về nằm chờ Tân rồi ngủ lúc nào không biết. Tôi mơ thấy đi trong mây trắng nõn nà. Tôi thấy mình bay bay. Khi tỉnh giậy, tôi sờ lên cổ, còn thấy cây thánh giá làm bằng tre, đã lên nước, nhỏ tý xíu, có sợi giây dù để đeo. Đúng là sự thật như đêm qua tôi đã nghe Mai nói:

- Từ nay, đêm đêm em sẽ cầu xin Đức Mẹ ban ơn lành cho anh… đó là… phần cầu xin cho tình bằng hữu. Em biếu anh cây thánh giá này, của em đấy, em sẽ đeo cây của chị Bạch Mai em để lại, nhưng phải lúc đêm khuya, còn sáng ra phải đem giấu thật kín. Còn đang bang khuâng với mộng và thực thì tôi thấy mụ Cú tới và một người đàn ông lạ mặt. Mụ ta nghiêm chỉnh:

- Báo cáo đồng chí nhà báo, có điện từ Hà-nội vào, đồng chí phải ra ngay với đoàn xe vận tải số 2 ngoài Nghệ-an. Đây là đồng chí ở đoàn 2, từ Hà-nội vào đón đồng chí.

Tôi sững người và càng buồn khi biết Mai phải vào rừng, còn Tân ra tỉnh về chuyện chiếc ô-tô con. Tôi chạy sang chào Thìn. Bàn tay xương xẩu của Thìn nắm chặt tay tôi:

- Anh ráng cẩn thận, đừng ngu như em.

Tôi gật đầu vội quay đi giấu sự xúc động.

Tôi và xe đạp “nằm” ở thùng chiếc xe tải. Đường xóc như rang cà-phê.

Từ đó chẳng bao giờ tôi có dịp gặp lại Mai, Thìn và Tân. Nhiều lần cầm bút viết thư rồi lại xé đi.

Cho đến nay, hơn hai chục mùa xuân qua đi, chẳng biết những người đó còn sống hay chết. Nếu còn sống nhất định Mai vẫn cầu xin Mẹ Maria cho tôi trong phần bằng hữu cũng như tôi cầu xin cho Mai và gia đình và dân tộc Việt Nam chúng mình. Không còn gặp lại nhau nữa, nhưng tôi hiểu rằng cả Mai, cả Thìn, cả Tân và ngày càng nhiều người thức tỉnh được rằng Hồ chí Minh và các đệ tử của hắn chưa bao giờ là những người Việt Nam yêu nước!


Tháng 12/1992



Chú thích:

* Nhà báo Trọng Kính từng viết cho các báo ở Hà-nội trước năm 1975. Ông cũng là Việt Thường ở hải ngoại và là tác giả ba quyển “Chuyện thâm cung dưới triều đại HCM; Con yêu râu xanh ở Việt nam; Những tên đặc công đỏ trong phong trào đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam” và bài ký sự này này.

1) Xe đạp của Pháp, nhãn hiệu Peugeot.

2) Seiko: đồng hồ của Nhật.

3) Bà bô: mẹ đẻ.

4) Ý nói bố sắp chết. Văn-điển là nghĩa địa.

5) Ý nói có cấp trên nâng đỡ, bao che.

6) Cửa hàng cung cấp riêng cho loại cán bộ trung cao.

7) Khẩu hiệu thời chiến tranh với Mỹ ở phía Bắc.

8) Tức người nấu bếp.